"Kê biên tài sản"
TT - Sau tháng 4-1975, nhà báo
Đinh Phong cùng nhóm phóng viên truyền hình túc trực ngày đêm theo những
tổ công tác làm công việc “kê biên tài sản” của những nhà tư sản Sài
Gòn ở chợ Bến Thành, chợ Tạ Thu Thâu... Bây giờ, những câu chuyện cũ trở
về trong ông như một đoạn phim quay chậm, buồn bã.
Đời ông chủ (Kỳ 3):
Phóng to |
Những chuyện ai cũng muốn quên
Phóng to |
Cửa hàng hợp tác kinh doanh đầu tiên ở quận 1, TP.HCM (ảnh chụp ngày 5-3-1985) - Ảnh tư liệu |
Những tổ công tác mật được gấp rút thành lập, bắt đầu
rà soát, lên danh sách những hộ gia đình kinh doanh, những gia đình giàu
có phải “cải tạo tư sản”. Nguyên tắc hàng đầu của chiến dịch này là bí
mật. Những nhà tư sản chỉ bàng hoàng nhận biết những gì xảy ra khi cửa
mở và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt, đọc quyết định “kê biên tài
sản”.
Từng làm phóng viên tuyên truyền về cải tạo công thương
nghiệp ở miền Bắc những năm 1960 khi còn công tác ở báo Nhân Dân, sau
năm 1975 ông Đinh Phong lại là một trong những chứng nhân của một giai
đoạn lịch sử mới. Trong ký ức của mình sau gần ba thập niên kể từ ngày
ấy, nhà báo Đinh Phong trầm ngâm: “Chúng tôi vác máy đi tuyên truyền mà
lòng trĩu nặng, ngơ ngác nhìn nhau hỏi tại sao lại như vậy?
Có lần, chúng tôi mang máy ra chợ Tạ Thu Thâu quay cảnh
niêm phong tài sản một hộ kinh doanh hàng điện tử. Chưa kịp ghi hình
ảnh nào, ông chủ hộ kinh doanh bước ra gạt máy, rồi chỉ vô mặt tôi bảo:
“Chú về mà hỏi Huỳnh Văn Tiểng (giám đốc đài truyền hình lúc bấy giờ -
NV) xem ngày xưa tôi đã gửi linh kiện vô chiến khu lắp ráp đài phát
thanh như thế nào, hỏi coi thời chống Mỹ tôi đã giúp đỡ các ông những
gì? Bây giờ tôi buôn bán, có tội tình gì mà bay bắt tôi về làm ruộng
hả?”. Thời gian sau tôi có trở lại tìm ông chủ ấy nhưng không gặp, chỗ
cũ đã trở thành một cửa hàng quốc doanh”.
Ông Đinh Phong kể tiếp: “Một tối, tôi tiếp hai vợ chồng
anh bạn trong cơ quan. Họ đến bảo rằng cả gia đình là cơ sở điệp báo
của ta trước năm 1975, họ dùng chính cửa hàng vải sợi của mình làm bình
phong cho cơ sở liên lạc của cách mạng. Những câu chuyện ấy chưa kịp
được xác nhận sau năm 1975 thì gia đình trở thành điểm “cải tạo” với cửa
hàng vải sợi.
Tài sản bị niêm phong, mọi người trong nhà chuẩn bị
nhận quyết định đi “xây dựng vùng kinh tế mới”. Tôi nghe mà toát mồ hôi,
ngay trong đêm chạy đến gặp ông Dương Văn Đầy (lúc ấy là chủ tịch Q.1,
TP.HCM), bảo: “Họ sắp đưa một gia đình có công với cách mạng đi kinh tế
mới”. Ông Đầy nói: “Đâu được”. Tôi bảo: “Họ hẹn sáng sớm 5 giờ là phải
đi rồi”. Tờ mờ sáng hôm sau, ông Đầy phải đến chặn ngay trước cửa nhà
can thiệp cho trường hợp này. Vậy là quyết định mới được hủy bỏ”.
Mầm sống mới mọc lên
Cho đến ngày giải phóng 1975, Sài Gòn đã có một cơ sở
vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, nơi tập trung hơn 80% năng
lực sản xuất công nghiệp cả miền Nam. Nơi đây tập trung hơn 38.000 cơ
sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và
8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân.
Để công hữu hóa tư liệu sản xuất và đưa công nhân lao
động làm chủ nhà máy, xí nghiệp, sau năm 1975 chính quyền cách mạng đã
tiến hành vận động hai đợt cải tạo công thương nghiệp. Kết quả là đã
quốc hữu hóa tài sản của 171 tư sản mại bản, 59 tư sản thương nghiệp cỡ
lớn, khôi phục 400 xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu thủ công
nghiệp, thu hút 27 vạn công nhân và lao động, vận động hồi hương lập
nghiệp và từng bước phân bố lại lao động.
(Trích thông tin lịch sử của website TP.HCM)
|
Ông Đinh Phong kể rằng có lần được hỏi chuyện với ông
Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) lúc bấy giờ là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách
phía Nam về công cuộc cải tạo công thương nghiệp, ông thấy ông Mười Cúc
rất ưu tư. Trong hồi ký của mình, ông Đinh Phong kể: “Thời mới giải
phóng, trong một lần gặp gỡ các nhà tư sản, ông Mười Cúc đã nói:
“Các bạn đã đi với chúng tôi trong cách mạng dân tộc
dân chủ nên gọi là tư sản dân tộc, nay các bạn đi với chúng tôi lên thời
kỳ quá độ lên XHCN, không biết gọi các bạn là gì cho phù hợp?”. Sau đó,
khi nhắc đến chuyện “ngăn sông cấm chợ”, ông Mười Cúc hay trầm tư, thậm
chí có lúc muộn phiền: Sắp có quyết định lập trạm mới nữa rồi...”.
Những nhà tư sản lớn của Sài Gòn thời đó phần lớn đã ra
nước ngoài, thành phố chỉ còn các doanh nghiệp loại vừa như chủ nhà in,
chủ các xưởng thủ công, các cửa hàng... Các ông chủ này bị buộc phải kê
khai tài sản, vốn liếng rồi trưng thu, tịch thu, trưng mua và buộc họ
không được kinh doanh, phải chuyển qua sản xuất nông nghiệp, nhiều người
phải rời khỏi thành phố. Nhiều cửa hàng nhỏ, vốn liếng chẳng có bao
nhiêu, một số tiệm ăn, tiệm cà phê... cũng bị niêm phong, định giá và
chuyển qua sản xuất.
Trong số này có các anh chị vốn là cán bộ kháng chiến
bị mất liên lạc, phải làm ăn, buôn bán... để đợi dịp liên lạc với cách
mạng. Đó là những người yêu nước, quyết không rời bỏ quê hương, ở lại và
mong muốn đóng góp xây dựng đất nước. Ông Đinh Phong nhớ lại: “Lúc đó
tôi biết chúng ta đã làm một điều gì đó chưa thật sự hợp với lòng dân”.
Ông Đinh Phong kể: “Tôi lại gặp ông Mười Cúc và tiếp
tục những câu chuyện về “cải tạo tư sản”: Sao người ta kêu nhiều quá anh
Mười ơi! Ông Mười Cúc đăm chiêu nhiều lắm. Tôi nghĩ đó là một thời điểm
quá khó khăn giữa cái cũ, cái mới và những hướng đi cho đất nước.
Nhưng tôi nhìn thấy những mầm sống mới đã mọc lên từ những chiếc lá rơi xuống của ngày hôm trước...”.
Sau một đêm thức dậy, người dân bỗng thấy thành phố
vắng bóng hơn 1.000 nhà thuốc thuở nào. Các bác sĩ thì chỉ đợi tan giờ
làm việc để về nhà nuôi heo, trồng rau cải thiện đời sống.
Nhưng chẳng lẽ cứ mãi đi chở cám heo? Một bác sĩ
trẻ xin lập một phòng khám nửa tư nhân nửa nhà nước thì bị nhiều người
phê phán là “con đỉa hút máu”. Nhờ một lãnh đạo “bật đèn xanh” rằng:
“Tôi nghĩ là cho phép bác sĩ đi làm thêm giờ sau giờ làm việc thì có lợi
hơn việc bắt họ ở nhà nuôi heo chứ”, bác sĩ trẻ ấy “vào trận” làm kinh
tế...
Kỳ sau:Ông bác sĩ “nhảy rào”
|
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG