Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Tư liệu: Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V, từ ngày 10 đến ngày 17-6-1985



---------------
Từ ngày 10 đến 17- 6 - 1985, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá V họp bàn và quyết định một vấn đề cực kỳ quan trọng: cải cách một bước giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ để xoá bỏ quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Hội nghị nhận định rằng: từ sau ngày giải phóng miền Nam, nước nhà thống nhất, điều kiện kinh tế, tài chính của nước ta thay đổi căn bản: viện trợ không hoàn lại hầu như không còn nữa, số vốn vay dài hạn của các nước anh em và bè bạn để nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu và hàng tiêu dùng bị giảm đi nhiều. Hai cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta, cùng với những hoạt động phá hoại về nhiều mặt của chúng đã gây ra cho ta nhiều thiệt hại. Dân số tăng lên quá nhanh trong khi đó nhu cầu tiêu dùng xã hội tăng hơn trước, nhu cầu quốc phòng và chi phí về xây dựng cơ bản vẫn phải duy trì ở mức cao.

Trước tình mới, Đảng và Nhà nước chưa kiên quyết, kịp thời sắp xếp lại sản xuất và xây dựng, định lại chính sách tài chính quốc gia, lấy nguồn động viên trong nước làm cơ sở; xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa... Do bảo thủ, tập trung quan liêu, thiếu linh hoạt, nhạy bén, chỉ đạo và điều hành có nhiều khuyết điểm, tư tưởng ỷ lại vào viện trợ từ bên ngoài còn nặng, cho nên chúng ta đã chậm đổi mới chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế.

Những mất cân đối trong nền kinh tế chậm được khắc phục, tính năng động trong sản xuất, kinh doanh không được phát huy, tài chính quốc gia ngày càng thiếu hụt, lạm phát không ngừng tăng thêm, hệ thống giá của Nhà nước ngày càng tách rời giá trị và sức mua của đồng tiền, tiền lương thực tế, đời sống của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang ngày càng giảm sút, gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong tâm lý và đời sống xã hội.

Các chính sách và biện pháp của Đảng và Nhà nước về phân phối lưu thông vẫn chưa được được giải quyết về cơ bản, vì vẫn tiếp tục duy trì các chính sách giá, lương và các vấn đề kinh tế trên cơ sở cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp.

Từ tình hình trên, Hội nghị khẳng định: Không thể ổn định được tình hình kinh tế và đời sống, cân bằng được ngân sách và tiền mặt, trong khi vẫn duy trì bao cấp qua giá và lương1. Hội nghị chủ trương: phải dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa thì mới đẩy mạnh được sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu, bao cấp trong giá và lương là yêu cầu cấp bách, là khâu đột phá có tính chất quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V đề ra mục tiêu và phương hướng giải quyết vấn đề giá - lương- tiền:

Căn cứ vào tình hình nói trên và nhằm góp phần thực hiện chương trình kinh tế - xã hội do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đề ra, việc giải quyết các vấn đề giá - lương - tiền phải nhằm đạt các mục tiêu chủ yếu sau đây:

- Thúc đẩy sản xuất phát triển theo cơ cấu hợp lý (ngành, vùng, thành phần), khai thác mọi tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề, cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, nhằm phát triển sản xuất với năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Ổn định đời sống nhân dân lao động, trước hết là đời sống công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang. Nhân dân làm chủ sản xuất và phân phối lưu thông, làm chủ thị trường và giá cả, từng bước cân bằng ngân sách và tiền mặt.

- Góp phần tạo dần nguồn tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế quốc dân để công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

- Thúc đẩy việc hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, phát triển kinh tế gia đình.

- Góp phần tăng cường quốc phòng và an ninh, kiên quyết chống địch phá hoại, đấu tranh có hiệu quả chống các hiện tượng tiêu cực.

- Xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trong giá và lương là yêu cầu cấp bách, là khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế hoạch hoá.

Nội dung xoá bỏ quan liêu, bao cấp trong giá - lương- tiền chủ yếu là:

Tính đủ chi phí hợp lý trong giá thành sản phẩm. Thực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá. Phân công, phân cấp hợp lý trong cơ chế quản lý giá, tăng cường kỷ luật quản lý giá.
Tiền lương thực tế phải thực sự bảo đảm cho người ăn lương sống chủ yếu bằng tiền lương, tái sản xuất được sức lao động và phù hợp với khả năng của nền kinh tế quốc dân.
Gắn chặt tiền lương với năng suất, chất lượng và hiệu quả, thực hiện phân phối theo lao động.
Xác lập quyền tự chủ về tài chính của các ngành kinh tế - kỹ thuật, các địa phương và đơn vị cơ sở gắn liền với sửa đổi cơ chế kế hoạch hoá và quản lý. Chuyển hẳn mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở sang cơ chế hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức kinh tế phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình, “lời ăn, lỗ chịu”, xoá bỏ mọi khoản bù lỗ bất hợp lý của ngân sách nhà nước…

Chuyển hẳn công tác ngân hàng sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy hiệu quả kinh tế của đồng vốn làm tiêu chuẩn hàng đầu trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Hội nghị chủ trương: trong tình hình kinh tế đang biến động, chưa ổn định, cuộc điều chỉnh lớn và toàn diện về giá - lương - tiền lần này phải tiến hành khẩn trương, kiên quyết nhưng phải tính toán thận trọng các phương án vững chắc gắn chặt với việc xây dựng và hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới.

Hội nghị đề ra những chủ trương và biện pháp lớn:

* Về giá cả, Hội nghị nhấn mạnh việc điều chỉnh mặt bằng giá cả và cơ chế quản lý giá phải dựa trên các nguyên tắc:

- Xác định giá phù hợp với giá trị và sức mua của đồng tiền.
- Định giá trên cơ sở lấy kế hoạch làm trung tâm thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
- Lấy giá thóc làm chuẩn để tính các loại giá khác và toàn bộ mặt bằng giá.
- Quản lý giá phải có phân công, phân cấp hợp lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Hội nghị đề cập đến các vấn đề về giá mua lương thực và nông sản; tính đủ các yếu tố chi phí và xác định giá thành sản phẩm công nghiệp; điều chỉnh giá bán buôn hàng công nghiệp (vật tư và hàng tiêu dùng) và giá bán lẻ đồng thời nhấn mạnh về cơ chế quản lý giá, cần thực hiện cơ chế một giá thống nhất, do Nhà nước (Trung ương và địa phương) quy định và điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.

* Về lương, Hội nghị nhấn mạnh chính sách tiền lương phải quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động, xoá bỏ bao cấp, từng bước khắc phục chủ nghĩa bình quân, chênh lệch bất hợp lý, phải nhằm ổn định và từng bước cải thiện đời sống của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, phải khôi phục lại trật tự tiền lương, tiền thưởng trong phạm vi cả nước.

Hội nghị đề ra các chủ trương và biện pháp nhằm thực hiện các yêu cầu nói trên:
- Bãi bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá bù lỗ, chuyển sang chế độ trả lương bằng tiền; xác định lại hệ thống lương cơ bản thống nhất cả nước.
- Sắp xếp lại các mức lương, thang lương, phụ cấp, tiền thưởng.
- Tính phụ cấp đắt đỏ.
- Điều chỉnh chế độ trợ cấp xã hội.

* Về tài chính, tiền tệ, Hội nghị yêu cầu:
- Trên cơ sở phát triển sản xuất và cải tiến quản lý, phấn đấu hạ giá thành và phí lưu thông, cần nắm chắc và huy động các nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Thực hiện chế độ tự chủ tài chính của xí nghiệp làm cho giá, lương, tài chính, tín dụng… phát huy đầy đủ chức năng đòn bẩy kinh tế, kích thích và đòi hỏi các đơn vị kinh tế phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh xã hội chủ nghĩa, cải tiến kỹ thuật, làm ăn có hiệu quả.
- Điều chỉnh mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, thực hiện chế độ phân cấp ngân sách trên cơ sở ba cấp cùng làm chủ, bảo đảm sự nhất trí giữa ba lợi ích (toàn xã hội, tập thể, cá nhân người lao động), tạo điều kiện cho địa phương chủ động khai thác các tiềm năng để phát triển kinh tế địa phương, tăng nguồn thu và chủ động bố trí ngân sách địa phương.
- Áp dụng các biện pháp có hiệu lực để cải tiến lưu thông tiền tệ, thu hút tiền nhàn rỗi, đẩy nhanh nhịp độ quay vòng đồng tiền. Chuyển mạnh hoạt động của ngân hàng sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, kịp thời đáp ứng những nhu cầu về vốn cho sản xuất- kinh doanh theo giá mới.
- Tăng cường sự kiểm soát bằng đồng tiền và kỷ luật về tài chính tiền tệ . Sửa đổi chế độ chi tiêu cho phù hợp với cơ chế mới, trên cơ sở đó nghiêm cấm mọi sự chi tiêu sai chế độ, chống lãng phí, nghiêm trị mọi hành vi tham ô, lập quỹ đen. Thực hiện nghiêm ngặt sự kiểm tra và thanh tra tài chính của Nhà nước.

Về tổ chức và chỉ đạo thực hiện, Hội nghị đề ra 4 yêu cầu:

Một là: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương trong cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở. Ban Bí thư chỉ đạo chặt chẽ nội dung và kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nghị quyết.

Hai là: Việc thi hành Nghị quyết này đòi hỏi thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân, của các ngành, các cấp, đòi hỏi nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Các ngành, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo và vững chắc để thực hiện tốt chính sách mới về giá - lương - tiền.

Ba là: Tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải căn cứ vào tinh thần Nghị quyết mà xác định lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ của cơ quan, kiên quyết sắp xếp, chấn chỉnh những tổ chức và bộ máy bất hợp lý, loại bỏ những tổ chức trung gian không cần thiết, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh xã hội chủ nghĩa, giảm biên chế bộ máy nhà nước; sửa đổi chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế; điều động và bố trí cán bộ để bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương cải cách giá và lương, thực hiện cơ chế quản lý mới.

Bốn là: Để chỉ đạo việc chuẩn bị và thực hiện Nghị quyết này, Ban Bí thư Trung ương và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cần phối hợp chặt chẽ, theo dõi hằng ngày và xử lý kịp thời các vấn đề cụ thể xuất hiện trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách mới về giá - lương - tiền.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V là sự đổi mới tư duy trên lĩnh vực lưu thông, phân phối với nét nổi bật là thừa nhận sản xuất hàng hoá và những quy luật của sản xuất hàng hoá.

Hội nghị đã bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Văn Linh - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào Bộ Chính trị.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá V là một mốc đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng và nhân dân ta trên mặt trận kinh tế. Việc đổi mới chính sách giá - lương - tiền và cơ chế quản lý kinh tế là một sự thay đổi lớn có ý nghĩa cách mạng. Nghị quyết này sẽ tạo ra sự nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong cả nước, dấy lên cao trào cách mạng của quần chúng trong lao động, sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiến lên giành những thắng lợi mới, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo phù hợp với những quy luật khách quan trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét