Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Tư liệu: Hội Nhà báo VN không phải là tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp duy nhất (VNTB)


 Nguồn: http://www.ijavn.org/2014/08/vntb-hoi-nha-bao-vn-khong-phai-to-chuc.html

(VNTB)-Hội Nhà báo VN không phải tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp duy nhất

Minh Tâm
(VNTB) - Trên trang http://www.bienphong.com.vn/baobienphong/news/khong-can-cai-goi-la-hoi-nha-bao-doc-lap/26733.bbp, có bài viết tựa đề: “Không cần cái gọi là “Hội nhà báo độc lập”.
Tác giả bài báo khẳng định: “Hội nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) do một nhóm, gồm đa số là những người chống đối Đảng, Nhà nước, từng vi phạm pháp luật khởi xướng”.



Ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, trong bài phỏng vấn này, cũng đã đồng ý quan điểm đó của tác giả bài báo.

Xin được tuần tự trao đổi với ông Phạm Quốc Toàn.

Ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam



Bộ Chính trị là tổ chức hợp pháp?

Nhà báo Phạm Quốc Toàn: “Tôi cho rằng, cái gọi là HNBĐLVN đã ra đời bất hợp pháp, bởi dù họ có là gì đi chăng nữa thì cũng phải tuân thủ pháp luật chứ không thể đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Họ hoàn toàn không đăng ký, xin phép hoạt động. Đây là một điều không thể chấp nhận không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới - các tổ chức xã hội ra đời đều phải đăng ký, được pháp luật thừa nhận”. (Trích, nguồn đã dẫn ở trên).

Ông Toàn nói đúng một nửa. Cho đến nay, pháp luật chưa có điều cấm nào về giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, biểu tình.

Pháp luật mới chỉ có quy định về “lập hội”. Như vậy, việc thành lập những tổ chức hội, đoàn chưa được sự cấp phép của cơ quan chức năng như lời ông Toàn, là điều ghi nhận.

Tuy nhiên, theo nội dung Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội, tại Điều 3: “Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”, thì việc thành lập các hội, đoàn này cần thiết có sự chủ động tạo điều kiện pháp lý từ phía chính quyền, thay vì tiếp tục cấm đoán bằng những mệnh lệnh hành chính.

Với vai trò là người cầm trịch cho HNBVN, ông Toàn cần tích cực cho việc thực thi Nghị quyết số 64/2013/QH13, chứ không phải tiếp tục bảo thủ và chỉ trích những tiến trình thay đổi phù hợp hiến định.

Ở đây, theo hiến định, ngay cả Bộ Chính trị cũng cần phải đăng ký là một tổ chức hoạt động theo luật. Điều 4, Hiến pháp đã xác lập các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Là đảng viên, chắc ông Toàn tường tận về quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại Điều lệ ĐCSVN. Với những phát biểu quy chụp ở bài báo, dấu hiệu đã vi phạm vào Điều 2.3, khi đảng viên Phạm Quốc Toàn đã không “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. (Trích Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).

“Tuyên truyền, vận động”, chứ không phải là “khủng bố, đe dọa” như những răn đe” mà đảng viên Phạm Quốc Toàn nói về HNNĐLVN.

HNBVN không phải tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp duy nhất

Nhà báo Phạm Quốc Toàn: “Ở Việt Nam, chỉ có HNBVN là tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp duy nhất, mái nhà chung của những người làm báo Việt Nam. HNBVN có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách thông tin - báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo”.

Tại Quyết định số 124/QĐ-BNV ngày 09-02-2011 của Bộ Nội vụ về phê duyệt Điều lệ sửa đổi của HNBVN, tại Điều 2 ghi: “1. HNBVN là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. 2. HNBVN đặt dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Ðiều lệ Hội”.

Không có bất kỳ điều nào trong Quyết định 124/QĐ-BNV, xác lập HNBVN là tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp duy nhất, như lời khẳng định của ông Toàn.

Ông Phạm Quốc Toàn: “HNBVN đã ra đời, hoạt động từ năm 1950, cách đây gần 65 năm, đã qua 9 lần Đại hội. Hội là tổ chức chính thức đại diện cho những người làm báo Việt Nam được quốc tế ghi nhận, có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức báo chí quốc tế. Cả về mặt pháp lý và thực tiễn, cái gọi là HNBĐLVN hoàn toàn không có giá trị, không cần thiết đối với những người làm báo Việt Nam”.

Có ít nhất hai việc xin được trao đổi. Thứ nhất, HNBVN thành lập năm 1950 với mục đích phục vụ tuyên truyền cho cuộc chiến, phù hợp với “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”. Tôn chỉ được coi là tối thượng, luôn xác định trong Điều lệ HNBVN từ năm 1950 đến nay là “đặt dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN”.

Hiến pháp 2013, và sau đó là Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội, cho thấy vai trò của ĐCSVN là gián tiếp lãnh đạo đời sống xã hội bằng các chủ trương đường lối thông qua luật pháp nhà nước. Xã hội dân sự giờ đây chỉ phải tuân thủ luật pháp mà không còn phải “đặt dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN”.

Tổ chức HNBĐLVN chính là một tổ chức xã hội dân sự như hiến định. Pháp luật mặc nhiên bảo vệ HNBĐLVN.

Thứ hai, khái niệm báo chí Việt Nam bắt đầu từ khi tờ Gia Định báo ra mắt vào ngày 15-4-1865 tại Sài Gòn. Lịch sử báo chí Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau với khá nhiều thăng trầm do tác động của các điều kiện lịch sử, xã hội. HNBVN thành lập năm 1950 chỉ là một tổ chức của những người làm báo theo tiêu chí “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, áp dụng công thức của Lê-Nin: “báo chí không những là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể”.

Mô hình báo chí chủ yếu vẫn là hệ thống báo đảng và các tổ chức quần chúng “dưới sự lãnh đạo của Đảng”, có mở rộng ra báo của một số ngành nghề, báo của địa phương.

Điều đó cho thấy trong một xã hội dân sự như hiến định, người dân đang rất cần nhiều tổ chức có tiếng nói phản biện độc lập, không chịu sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái, hội đoàn nào. Tổ chức đó chỉ phải tuân thủ luật pháp, chứ không phải là Điều lệ Đảng.

Mới chỉ có một HNBĐLVN là quá ít.

Đủ cơ sở khởi tố ông Toàn về hành vi vu khống

Nhà báo Phạm Quốc Toàn: “HNBĐLVN là một tổ chức bất hợp pháp, được một vài cá nhân không phải là nhà báo đứng ra thành lập, thu nạp những đối tượng chống đối trong và ngoài nước, công khai tuyên bố theo đuổi mục tiêu đa nguyên chính trị, tư nhân hóa báo chí nhằm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý xã hội và báo chí”.

“Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. (Điều 14, Hiến pháp 2013)

Điều 107, Hiến pháp 2013: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.

Từ hai căn cứ trên, cần thiết xem xét trách nhiệm hình sự của ông Phạm Quốc Toàn, như các nội dung ở Điều 122, Bộ luật Hình sự (trích): “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người”.

Với những chứng cứ vi phạm pháp luật công khai và thách thức của ông Phạm Quốc Toàn trong bài báo như nói ở trên, cần phải xem xét đầy đủ các trách nhiệm dân sự lẫn hình sự của ông Toàn.

Về phương diện đảng viên, nhất thiết làm rõ những phát ngôn cho thấy ông Phạm Quốc Toàn đang góp phần vào lo sợ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là vì sao dân không còn tin Đảng nữa.

Các trao đổi ở đây với ông Phạm Quốc Toàn, là tư cách của một người viết độc lập và vẫn có Thẻ Nhà báo còn hiệu lực do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Tuy nhiên, gần 25 năm theo nghề, qua nhiều đợt “đổi thẻ”, chưa bao giờ người viết “làm đơn” xin gia nhập vào HNBVN. Một lý do rất đơn giản: cùng là người trong nghề, lẽ nào không hiểu “chân tóc” của những chức sắc đang ngồi làm “quan báo”?

Có điều đây là một câu chuyện khác, xin được kể vào dịp thích hợp.

Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét