Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Trung Quốc nêu cao pháp quyền vì sự thịnh vượng (QĐND - Thứ sáu, 24/10/2014)

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/binh-luan-quoc-te/trung-quoc-neu-cao-phap-quyen-vi-su-thinh-vuong/328295.html
------------
Trung Quốc nêu cao pháp quyền vì sự thịnh vượng 
QĐND - Thứ sáu, 24/10/2014
 
QĐND - Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vừa kết thúc có chủ đề trọng tâm là thúc đẩy pháp quyền, cụ thể là thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật. Hội nghị đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ “nói đi đôi với làm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi tại hội nghị này, Trung Quốc quyết định chính thức sa thải 6 cán bộ cấp cao vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”…

Bảo đảm tư pháp công bằng, độc lập
Hội nghị đã thông qua Nghị quyết trong đó đề ra các đường hướng chỉ đạo quan trọng liên quan đến thúc đẩy pháp quyền ở Trung Quốc. Trong đó xác định rõ mục tiêu tổng thể của việc thúc đẩy pháp quyền là thiết lập một hệ thống “các quy tắc xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” và xây dựng đất nước theo quy tắc “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Quang cảnh Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18. Ảnh: Tân Hoa xã
Một trong những mục tiêu cơ bản của thúc đẩy pháp quyền ở Trung Quốc là nhằm đảm bảo nền tư pháp công bằng, độc lập và nâng cao vai trò ảnh hưởng của tư pháp. Hội nghị xác định rõ cần đẩy mạnh cải cách pháp lý, nhằm đảm bảo tính độc lập cho các thẩm phán khi ra những phán quyết và hạn chế việc các quan chức chính quyền tác động tới quá trình tố tụng. Trung Quốc sẽ phát triển một thể chế mà theo đó, các quan chức sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ can thiệp vào quá trình tố tụng. Thậm chí, tên tuổi của các quan chức đó sẽ bị nêu công khai nếu họ tìm cách gây ảnh hưởng hoặc can thiệp trực tiếp đến hoạt động tư pháp, gây tổn hại đến công bằng xã hội.

Giáo sư Ma Huaide, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học chính trị và luật của Trung Quốc cho biết, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm triệt để các quan chức từ Trung ương tới địa phương can thiệp vào lĩnh vực tư pháp và quy trách nhiệm đối với những quan chức vi phạm. Giáo sư này cho rằng, việc đảm bảo tư pháp độc lập, không chịu ảnh hưởng từ các mệnh lệnh hành chính, các mối quan hệ riêng tư hay tiền bạc…, sẽ giúp người dân cảm nhận được sự công bằng và công lý trong quá trình tố tụng.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính minh bạch của hệ thống tư pháp cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp, các thẩm phán và công tố viên sẽ phải chịu trách nhiệm suốt đời đối với các vụ án mà mình xét xử và việc tham gia của người dân trong quá trình tố tụng sẽ được đảm bảo.

Đáng chú ý, hội nghị lần này nhấn mạnh Hiến pháp là hạt nhân của hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa và cần tăng cường tính thực thi của Hiến pháp. Thông cáo của hội nghị tuyên bố việc thực thi và tuân thủ Hiến pháp phải được đặt dưới sự giám sát của Quốc hội. Thông cáo cũng quy định rõ Quốc hội Trung Quốc và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đóng vai trò hữu hiệu hơn trong việc giám sát thực thi Hiến pháp.

Hội nghị cũng đề ra các nhiệm vụ quan trọng khác, bao gồm thúc đẩy thực thi quyền lực nhà nước theo pháp luật, đẩy nhanh xây dựng chính quyền pháp trị; tăng cường nhận thức pháp trị của toàn dân, thúc đẩy xây dựng xã hội pháp trị; tăng cường phát triển đội ngũ công tác pháp trị; tăng cường và cải tiến phương cách lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật.

Ngăn ngừa “lợi ích nhóm”
Đây là lần đầu tiên một hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ đề pháp quyền làm trọng tâm thảo luận. Điều này phản ánh rõ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng không thể thiếu của việc thực thi pháp luật đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh, thực thi pháp luật là “điều bắt buộc” nếu Trung Quốc muốn phát triển đất nước, xây dựng một xã hội thịnh vượng về mọi mặt, thúc đẩy sự phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc và nâng cao khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.  

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm còn 7,2% trong năm 2014 và sẽ còn tiếp tục giảm trong năm tới. Trong bối cảnh này, việc Trung Quốc đẩy mạnh pháp quyền được đánh giá là một hướng đi đúng đắn, không chỉ đem lại lợi ích về mặt chính trị, xã hội mà cả về kinh tế. Giới phân tích cho rằng, quyết định đẩy mạnh pháp trị sẽ tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn để Trung Quốc đi sâu cải cách toàn diện. Ông Bam-bang Xu-ri-ô-nô (Bambang Suryono), Giám đốc Quỹ Nanyang ASEAN cho rằng, thúc đẩy pháp trị sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài, làm giảm chi phí quản lý của doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động. “Nó cũng tạo ra nền tảng pháp lý để chống lại tình trạng “lợi ích nhóm”, ông B.Xu-ri-ô-nô nhấn mạnh. Đáng chú ý, ông B.Xu-ri-ô-nô cho rằng, quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy pháp trị là một bước đi tích cực nhằm giảm những căng thẳng, mâu thuẫn chính trị và xã hội bởi pháp trị sẽ giúp đẩy mạnh chống tham nhũng và hiện đại hóa hệ thống quản lý của Trung Quốc.  

 “Chúng tôi cho rằng, các biện pháp được thông qua sẽ giúp thúc đẩy luật pháp và trật tự ở Trung Quốc, làm giảm tình trạng quan liêu hành chính ở các cấp chính quyền. Thực thi pháp luật nghiêm ngặt, một hệ thống tư pháp hiệu quả và được chuẩn hóa, thẩm phán chuyên nghiệp sẽ giúp thúc đẩy công bằng xã hội và công lý. Những điều này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường”, ông Chang Jian, chuyên gia kinh tế của ngân hàng thuộc Barclays Plc tại Hồng Công (Trung Quốc) nhận định.

Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới ánh sáng đại hội Đảng lần thứ XI (Sở Tư pháp TP HCM, 5/4/2011)

---------------------
1. Quá trình hình thành tư tưởng pháp quyền trên thế giới
Pháp quyền là một khái niệm được hình thành và phát triển dọc theo chiều dài lịch sử của văn minh nhân loại. Các nội dung, nguyên tắc cơ bản của pháp quyền đã không ngừng được giải thích, bổ sung và hoàn thiện theo từng giai đoạn và từng thời kỳ lịch sử. Từ thời Hy Lạp cổ đại, tư tưởng pháp quyền xuất hiện nơi mà nền dân chủ sơ khai đã được hình thành. Trong giai đoạn này, các nhà tư tưởng cổ đại không chỉ thuần túy quan tâm tới tính thượng tôn của pháp luật mà còn coi pháp quyền như là một phương thức tìm kiếm sự tổ chức hợp lý của hệ thống quyền lực nhà nước. Đáng chú ý trong thời kỳ này là tư tưởng pháp quyền sơ khai của hai triết gia nổi tiếng Plato và Aristotle. Plato khẳng định pháp luật phải là ông chủ của chính quyền để ngăn ngừa sự xuất hiện của những kẻ chuyên quyền. Tương tự, Aristotle cho rằng pháp luật cần phải được xem như là sự kiềm chế đối với các pháp quan để hạn chế sự tùy tiện trong quá trình đưa ra các phán quyết.

  Tư tưởng và các học thuyết pháp quyền được tiếp tục bổ sung và phát triển khi giai cấp tư sản ở các quốc gia phương Tây không ngừng lớn mạnh, đấu tranh chống lại giai cấp phong kiến và giáo hội, từ đó từng bước giành ảnh hưởng trên chính trường. Trong thời kỳ này, tư tưởng pháp quyền được phát triển và hòa quện vào các học thuyết về phân quyền, chủ nghĩa lập hiến và dân chủ. Nhiều nhà nghiên cứu lớn đã xuất hiện với vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi đắp và phát triển các học thuyết pháp quyền. Các tên tuổi và tác phẩm trứ danh trong thời kỳ này cần phải kể đến là Locke J. với tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, J.J. Rousseau với tác phẩm “Khế ước xã hội” và Ch.L. Montesquieu với tác phẩm “Tinh thần pháp luật”. Đặc điểm nổi bật nhất của tư tưởng pháp quyền trong giai đoạn này là đề cao các giá trị dân chủ, tự do và quyền con người. J.J. Rousseau đã bắt đầu tác phẩm của mình với câu nói bất hủ: “Con người được sinh ra một cách tự do, nhưng khắp nơi lại bị xiềng xích”. Từ đó, các nhà tư tưởng trong giai đoạn này tập trung tìm kiếm một cơ chế chế ước quyền lực nhà nước, chống lại sự lạm quyền và xây dựng một mô hình chính phủ hợp lý nhằm hạn chế việc vi phạm các quyền con người. Ch.L. Montesquieu với học thuyết tam quyền phân lập đã được các học giả tư sản phương Tây coi là hòn đá tảng trong việc xây dựng lý luận tổ chức quyền lực nhà nước tư sản. Một nhà nghiên cứu đã nhận xét khái quát tư tưởng pháp quyền chủ đạo trong giai đoạn này bằng một khẩu hiệu: Con người chỉ được tự do khi chính phủ không được tự do. 

  Các hướng tiếp cận về pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới là hết sức phong phú, đa dạng. Để có thể hiểu được toàn diện khái niệm pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới, chúng ta cần xem xét các học thuyết pháp quyền trong mối quan hệ biện chứng, liên tục, đan xen, gắn bó và bổ sung cho nhau. Trong khi hệ thống pháp luật Anh-Mỹ nhấn mạnh pháp quyền như một sự cơ chế đảm bảo cho sự vận hành hợp lý và hiệu quả của hệ thống pháp luật nhằm giúp các cá nhân trong xã hội có thể hợp tác và theo đuổi những kế hoạch phát triển của mình thì các học thuyết pháp quyền của Đức nhấn mạnh đến nguyên tắc phân chia, phân công quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước, củng cố cơ chế tiếp cận công lý và đảm bảo quyền con người. Hướng tiếp cận về pháp quyền của Trung Quốc, quốc gia có hệ thống pháp luật XHCN lại thể hiện thái độ thận trọng trên con đường tìm kiếm mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế nhấn mạnh đến tính linh hoạt, tính mở và năng động của khái niệm pháp quyền trên thế giới tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc của từng quốc gia.

2. Nhà nước pháp quyền XHCH tại Việt Nam
Tư tưởng và học thuyết pháp quyền hiện đại của phương Tây được truyền bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần và lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian dài sau khi giành được chính quyền, do đất nước rơi vào hoàn cảnh chiến tranh, cộng với những định kiến sai lầm trong quan niệm về pháp quyền, đồng nhất một cách máy móc nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản nên các tư tưởng, học thuyết và nguyên tắc pháp quyền vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, tìm tòi, hoàn thiện.

Từ năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp từng bước được xóa bỏ. Yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã yêu cầu nhà nước Việt Nam phải được tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức để thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sau 5 năm thực hiện chính sách đổi mới, tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII ngày 29 tháng 11 năm 1991, khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được đề cập tới như một mục tiêu cần hướng tới của một xã hội văn minh. Sau một thời gian dài của quá trình nhận thức, tìm tòi, thể nghiệm, đến năm 2002, yêu cầu xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN” mới chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định định hướng cho quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước Việt Nam. 

  3. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và yêu cầu đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12 tháng 01 năm 2011 đến ngày 19 tháng 01 năm 2011. Trên cơ sở tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 25 năm đổi mới, Đảng đã nghiên cứu và đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2010 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế bộ máy, Đảng ta nhận định: Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam là một tất yếu khách quan, công tác xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước. Từ đó, Đảng ta đã đặt ra bốn yêu cầu lớn nhằm đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam.

  3.1. Nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN 
  Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với thị trường. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để vận hành có hiệu quả nền kinh tế và thực hiện tốt các cam kết quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. 

  Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền.

  3.2. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước
  Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách; có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri. Cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Nghiên cứu, giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội. 

  Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trước hết là quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể, tăng tính khả thi để đưa nhanh vào cuộc sống. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm của quốc gia, việc phân bổ và thực hiện ngân sách; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

  Nghiên cứu xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

  Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả; tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ; nâng cao năng lực dự báo, ứng phó và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; khắc phục tình trạng bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương sắp xếp các bộ, sở, ban, ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao. 

  Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh xã hội hoá các loại dịch vụ công phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

  Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp. Đổi mới hệ thống tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án đối với các khiếu kiện hành chính. Viện Kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức toà án, bảo đảm tốt hơn các điều kiện để Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; xác định rõ hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tiếp tục đổi mới và kiện toàn các tổ chức bổ trợ tư pháp. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Tăng cường các cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

  Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp. Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. 

  3.3. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
  Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Tổng kết việc thực hiện “nhất thể hoá” một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp. Thực hiện bầu cử, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo theo hướng cấp trưởng giới thiệu cấp phó để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

  3.4. Tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí
  Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Nghiên cứu phân cấp, quy định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng, chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước. Công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định. Cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện các quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí. Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Xây dựng chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ.Tôn vinh những tấm gương liêm chính. Tổng kết, đánh giá cơ chế và mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng để có chủ trương, giải pháp phù hợp.

  Coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; cổ vũ, động viên phong trào tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.

Tư liệu: Bàn về nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa (Bộ Tư pháp, 13/10/2011)

http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=4435
--------- 
Bàn về “nguyên tắc pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”
13/10/2011 
 


1. Đặt vấn đề
Với mục tiêu đưa nước ta từ nay đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng và Nhà nước ta đã ngày càng nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ luận thuyết cốt lõi của C.Mác về “biến nhà nước từ cơ quan đứng trên xã hội thành cơ quan hoàn toàn phục tùng xã hội” và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nền dân chủ XHCN chân chính, thực sự “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hoạt động trên cơ sở pháp luật với một nền pháp chế dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự phát triển tối đa và toàn diện của con người.

Khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN lần đầu tiên được Đảng ta chính thức sử dụng tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994).  Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống lý luận nghiên cứu về xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN còn chưa được xây dựng một cách đồng bộ, đầy đủ, toàn diện và khoa học. Những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình định hình, hoàn thiện. Đặc biệt, một số khái niệm công cụ sử dụng trong quá trình làm sáng tỏ nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN còn thiếu tính thống nhất, nhất quán do nội hàm của chúng còn chưa được thảo luận làm rõ. 

Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, ngày 24 tháng 5 năm 2005, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tại Phần mở đầu đánh giá về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sau gần hai mươi năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, cùng với những kết quả của công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Nghị quyết cũng đã đề cập đến “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và khẳng định ý nghĩa, vai trò của nguyên tắc này trong thực tiễn. Tuy nhiên, cho đến nay, những nội dung cơ bản của nguyên tắc này vẫn còn chưa được tập trung nghiên cứu, làm rõ, nội hàm của nguyên tắc chưa được nhận thức đầy đủ, nghiêm túc và chưa được áp dụng thống nhất như một nguyên tắc cơ bản trong quá trình phát triển hệ thống lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam. Bài nghiên cứu này bước đầu sẽ góp phần gợi mở, tìm hiểu và làm sáng tỏ nội dung của khái niệm “Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

2. Quá trình hiện thực hoá Nhà nước pháp quyền XHCN sau chính sách đổi mới tại Việt Nam
Chỉ một vài năm sau khi đất nước ta thực hiện chính sách đổi mới, tiến trình dân chủ hoá đã được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu, tính công khai, dân chủ, ý thức về công bằng xã hội đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đổi mới tư duy kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải khẩn trương, tích cực, quyết liệt và kiên trì đổi mới tư duy pháp lý nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Chính yêu cầu dân chủ hoá với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, làm cho người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xí nghiệp, hợp tác xã của mình và yêu cầu nhà nước phải quản lý toàn bộ đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật đã làm cho một số học thuyết, lý luận về nhà nước và pháp luật theo truyền thống pháp luật XHCN được áp dụng nhiều thập kỷ của thời kỳ thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, kế hoạch hoá đã tạo ra một “chiếc áo pháp lý” chật hẹp, bó buộc, thiếu tính linh hoạt và không còn thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn đổi mới.[1] Trong bối cảnh đó, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm xây dựng nhà nước, xây dựng pháp luật và quản lý xã hội quý báu trong suốt quá trình xây dựng Nhà nước cách mạng từ năm 1945, thực hiện đổi mới tư duy pháp lý, Đảng ta đã mạnh dạn, sáng suốt lựa chọn và phát triển lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là một mô hình Nhà nước được đánh giá là phương thức tổ chức quyền lực hợp lý, có điều kiện phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, có khả năng tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Quan điểm này đã được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sớm đưa ra từ năm 1989 và gợi ý các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và phát triển.[2]  

Cho đến nay, mặc dù Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã chính thức định danh nhưng những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn đang trong quá trình định hình, hoàn thiện. Xét một cách khái quát, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được hiểu là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân dưới hai hình thức chủ yếu là nhà nước và pháp luật theo nguyên tắc dân chủ nhằm bảo đảm các quyền và tự do của công dân. Cho đến nay, một số đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN đã được làm rõ, khẳng định và chấp nhận rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là một nguyên tắc hiến định (Điều 2 Hiến pháp 1992) thể hiện rõ nét và sâu sắc bản chất của nền dân chủ XHCN chân chính, triệt để, đảm bảo thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân trong chế độ XHCN. Dân chủ và phát huy dân chủ luôn được xác định là mục tiêu trọng tâm của nhà nước pháp quyền XHCN, chính vì vậy, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ hai, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lực nhà nước là thống nhất chính là sự khẳng định tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân, trong đó, yêu cầu phân công, phối hợp quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước bảo đảm cho quyền lực nhà nước thống nhất, loại bỏ sự chồng chéo, đảm bảo cho tổ chức lao động quyền lực nhà nước khoa học, hiệu quả, góp phần ngăn chặn một cách có hiệu quả sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN; Hiến pháp và các đạo luật có vị trí tối cao trong việc điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc trưng nổi bật này thể hiện sự thay đổi căn bản mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, theo đó, tuy pháp luật do nhà nước ban hành nhưng pháp luật lại có vai trò thống trị đối với chính nhà nước đã ban hành ra nó. 

Thứ tư, Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế và biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Thứ năm, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Các quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của đất nước giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, đã dành 34 trong tổng số 147 điều quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tiêu chí về quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó, Nhà nước pháp quyền XHCN giữ vai trò góp phần tạo dựng một không gian chính trị - pháp lý nhằm đảm bảo và phát huy các quyền cơ bản của con người.     
    
Thứ sáu, Nhà nước tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và trở thành thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập và hợp tác, Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, có thiện chí và tận tâm các cam kết quốc tế của mình.

Thứ bảy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước pháp quyền XHCN, sự giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây cũng là một nguyên tắc Hiến định (Điều 4, Điều 9 Hiến pháp 1992) nhằm khẳng định vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò giám sát xã hội của nhân dân, chức năng phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân nhân dân của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị - xã hội.     

3. Bước đầu tìm hiểu nội dung cơ bản của “Nguyên tắc pháp quyền XHCN”

Khái niệm “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đã được Đảng ta chính thức sử dụng tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ở đây, cũng cần có sự phân biệt giữa nguyên tắc pháp quyền XHCN với nguyên tắc pháp chế XHCN. Nguyên tắc pháp chế XHCN là nguyên tắc đã có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trong hệ thống lý luận chính trị - pháp lý XHCN truyền thống nhằm khẳng định yêu cầu tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh, triệt để và thống nhất đối với tất cả các cá nhân, tổ chức. Các nguyên tắc cơ bản của pháp chế là tính thống nhất, tính hợp lý và áp dụng chung. Mục đích của pháp chế là nhằm đạt được sự tuân thủ pháp luật đối với tất các các chủ thể quan hệ pháp luật, thiết lập trạng thái hợp pháp trong hệ thống các quan hệ xã hội. Khi xây dựng và phát triển lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN, kế thừa những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nhà nước cách mạng, các nhà nghiên cứu đã cho rằng pháp chế là một trong những nội dung cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo đó, Nhà nước pháp quyền có nội hàm rộng hơn, phong phú hơn, được thể hiện và nhận diện trên nhiều phương diện khác nhau.[3] Cũng có những quan điểm cho rằng trong nhiều thập kỷ, như các hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam chỉ quan tâm đến yêu cầu và các nguyên tắc của pháp chế mà chưa chú trọng đến pháp quyền. Tuy pháp quyền và pháp chế đều những triết lý pháp luật đề cao vai trò pháp luật nhưng chúng lại có cơ chế điều chỉnh khác nhau.[4
Pháp chế
Pháp quyền
Pháp luật là công cụ của nhà nước để quản lý xã hội bằng pháp luật Pháp luật là công cụ của công dân để kiểm tra, giám sát công quyền
Pháp luật khởi nguồn từ nhà nước nên chỉ chấp nhận luật thành văn Pháp luật khởi nguồn từ luật tự nhiên nên ngoài luật thành văn, án lệ, tập quán, công lý, lương tâm, đạo đức và các giá trị xã hội cũng được coi là nguồn của pháp quyền
Kỷ luật thép, buộc người dân phải tuân theo pháp luật của nhà nước Cho phép người dân viện dẫn đến lẽ phải, lý trí để bảo vệ mình trước những đạo luật bất hợp lý của Nhà nước

Tuy nhiên, về cơ bản, các quan điểm có ảnh hưởng trong nền khoa học pháp lý Việt Nam đều cho rằng học thuyết về pháp chế XHCN là sự kế thừa và phát triển các tư tưởng tiến bộ trước đó về nhà nước và pháp luật. Vì vậy, định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam là không thể tách rời lý luận Mác - Lê nin về pháp chế XHCN.[5]

Để có thể tiếp cận sát hơn nội dung của khái niệm “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, chúng ta cũng cần có sự phân biệt khái niệm “Pháp quyền” với khái niệm “Nhà nước pháp quyền”. Khái niệm pháp quyền (rule of law) là thuật ngữ có nội hàm rộng, để chỉ toàn bộ một xã hội được tổ chức và vận hành trên cơ sở các quyền được pháp luật quy định rạch ròi theo luật tự nhiên, sao cho các chủ thể sử dụng quyền của mình một cách tự do để có khả năng nâng cao sự hạnh phúc của mình, nhưng lại không được xâm phạm sang các quyền chủ thể khác.[6] Khái niệm “Nhà nước pháp quyền” mà Việt Nam đang sử dụng (The state governed by the rule of law) là khái niệm để chỉ một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và quản lý bản thân mình cũng bằng pháp luật, bộ máy nhà nước tự đặt mình dưới pháp luật. Từ cách hiểu này, một số nhà nghiên cứu cho rằng pháp quyền là khái niệm có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, không đơn thuần chỉ là mô thức tổ chức nhà nước mà mà còn là mô thức tổ chức xã hội. Pháp quyền có thể ứng dụng đối với cả đời sống công quyền và xã hội công dân. Theo đó, pháp quyền trong xã hội công dân chính là quyền lực của pháp luật trong xã hội công dân, công dân là chủ thể sử dụng quyền lực của pháp luật để bảo vệ các quyền và tự do của mình. Đối với pháp quyền của công quyền thì công quyền là đối tượng chịu sự kiểm soát của pháp luật. Như vậy, khái niệm pháp quyền có nội hàm rộng và phong phú hơn so với khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN”.[7]

Ngày nay, các hướng tiếp cận về pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới là hết sức phong phú, đa dạng. Để có thể hiểu được toàn diện khái niệm pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới, chúng ta cần xem xét các học thuyết pháp quyền trong mối quan hệ biện chứng, liên tục, đan xen, gắn bó và bổ sung cho nhau. Trong khi hệ thống pháp luật Anh-Mỹ nhấn mạnh pháp quyền (the rule of law) như một cơ chế đảm bảo cho sự vận hành hợp lý và hiệu quả của hệ thống pháp luật nhằm giúp các cá nhân trong xã hội có thể hợp tác và theo đuổi những kế hoạch phát triển của mình thì các học thuyết pháp quyền của Đức (Rechtsstaat) nhấn mạnh đến nguyên tắc phân chia, phân công quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước, củng cố cơ chế tiếp cận công lý và đảm bảo quyền con người. Hướng tiếp cận về pháp quyền của Trung Quốc, quốc gia có hệ thống pháp luật XHCN lại thể hiện thái độ thận trọng trên con đường tìm kiếm, thể nghiệm mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế lại nhấn mạnh đến tính linh hoạt, tính mở và năng động của khái niệm pháp quyền tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc của từng quốc gia. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều cho rằng pháp quyền phải là yếu tố căn bản, cốt yếu để bảo vệ cá nhân khỏi sự chuyên quyền của chính phủ và giúp các cá nhân có được những phẩm giá của con người.[8]

Theo định nghĩa tại Từ điển tiếng Việt, nguyên tắc là điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt việc làm. Nguyên tắc pháp quyền XHCN là một nguyên tắc mới được hình thành trong lĩnh vực chính trị - pháp lý trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, mục tiêu và nội dung cơ bản của nguyên tắc pháp quyền XHCN không hoàn toàn đồng nhất với mục tiêu và đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN, mà nó bao hàm một nội dung rộng lớn hơn với những mục tiêu phong phú hơn. Nguyên tắc pháp quyền XHCN, trước hết, đó phải là tinh thần thượng tôn pháp luật của toàn xã hội, là ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, công chức, viên chức và mọi người dân. Nguyên tắc pháp quyền XHCN đòi hỏi sự ngự trị tuyệt đối của pháp luật như là sự hạn chế ảnh hưởng của việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Hoạt động hành pháp của chính phủ phải đảm bảo tính dân chủ và pháp quyền, phải tuân thủ những quy tắc đã được ấn định và công bố từ trước. Các cơ quan công quyền có trách nhiệm áp dụng pháp luật một cách nhất quán, bình đẳng và không thiên vị. Nguyên tắc pháp quyền XHCN cũng đòi hỏi phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Hệ thống pháp luật này phải đáp ứng được những yêu cầu khách quan của xã hội, đồng thời cũng phải thể hiện các giá trị tiến bộ xã hội như tự do, nhân đạo, công bằng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người. Dưới ánh sáng của nguyên tắc pháp quyền, một đạo luật sẽ mất đi tính pháp quyền nếu nó không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, không thể hiện được các giá trị cao cả như lương tri, tự do, bình đẳng, công bằng, không phù hợp với tiến bộ xã hội và các giá trị nhân văn của xã hội nói chung. Ngoài ra, nguyên tắc pháp quyền XHCN cũng đòi hỏi sự liêm chính trong quá trình xét xử, các nguyên tắc tố tụng phải chặt chẽ và hợp lý để tìm ra sự thật. Các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm. 

4. Một vài kiến nghị thay cho lời kết
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương và đồng thuận, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục khẳng định quyết tâm đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện các thể chế nhằm bảo đảm và phát huy các quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người, trong đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Trong bối cảnh đó, lý luận về xây dựng và phát huy dân chủ XHCN luôn là hạt nhân lý luận, là tâm điểm phát triển của lý luận pháp quyền XHCN. Lý luận về pháp quyền XHCN luôn là điểm quy tụ những đặc điểm ưu việt của chế độ XHCN, đặc biệt là khi đất nước ta đang đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội.   

Lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam đã thực sự tìm được mảnh đất để nảy mầm, phát triển khi nước ta thực hiện chính sách đổi mới, đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá, đổi mới tư duy kinh tế, tư duy pháp lý. Cùng với lý luận nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền XHCN, nguyên tắc pháp quyền XHCN đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước, đã từng bước thấm vào nhận thức và quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước và toàn thể xã hội. Tuy nhiên, để có thể trở thành một hệ thống lý luận khoa học, một học thuyết mang tính toàn diện giúp tìm hiểu và tiếp cận tri thức cũng như chân lý khoa học, những nội dung cơ bản của các khái niệm trong hệ thống lý luận, học thuyết về pháp quyền XHCN nói chung, nguyên tắc pháp quyền XHCN nói riêng, cần được nghiên cứu, làm rõ, để từ đó đưa đến sự nhận thức thống nhất. Sự thống nhất này chính là điều kiện tiên quyết cho việc nhận thức và tạo dựng sự đồng thuận chung trong toàn xã hội, tạo ra sự nhất trí, sức mạnh tổng hợp, ý chí đoàn kết hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.       
Nguyễn Xuân Tùng - Thạc sỹ luật so sánh, Trưởng Phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB

[1] Diễn văn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, phần nói về đổi mới tư duy pháp lý. Xem: Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2005, tr. 134).
[2] Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị Tư pháp năm 1989). Xem: Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2005, tr. 154).
[3] Hoàng Thị Kim Quế: Chế độ pháp chế thống nhất, hợp lý và áp dụng chung, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 9 (162) năm 2005, tr.9.
[4] Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Bùi Ngọc Sơn và Nguyễn Mạnh Tường: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 94.
[5] Khoa Nhà nước và pháp luật Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I: Tập bài giảng về Nhà nước và Pháp luật, Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính, năm 2011, tr. 208.
[6] Nguyễn Sĩ Dũng, Cội nguồn của pháp quyền, Tuổi trẻ ngày 16/8/2004.
[7] Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Bùi Ngọc Sơn và Nguyễn Mạnh Tường: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 94.
[8] Nguyễn Xuân Tùng: Về khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4 (264) năm 2010, tr.14.


Tư liệu: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay - Từ lý luận đến thực tiễn (Tạp chí Cộng Sản, 16/1/2014)

Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen/2014/25460/Xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-o-Viet.aspx
----------

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay - Từ lý luận đến thực tiễn

0:1' 16/1/2014

TCCSĐT - Xây dựng nhà nước pháp quyền đang trở thành một xu thế khách quan tất yếu đối với các quốc gia dân chủ trong thế giới hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Tuy nhiên, xét về cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết.

Khái quát nhận thức lý luận của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được Đảng ta chính thức đưa vào văn kiện Đại hội VII của Đảng, trong đó nêu rõ: “Quốc hội cần hướng vào việc thực hiện hai yêu cầu cơ bản: Một là, xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ đáp ứng được yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý mọi mặt xã hội văn minh, tiến bộ; hệ thống pháp luật đó là cơ sở bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi có hiệu quả, là một nhân tố trọng yếu làm cho các quan hệ xã hội của chúng ta trở nên lành mạnh hơn. Hai là, bảo đảm quyền lực và hiệu lực trên thực tế của Quốc hội, do Hiến pháp quy định”(1).

Từ Đại hội VII đến Đại hội VIII, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền đã có bước phát triển. Nếu như ở Đại hội VII, Đảng ta mới chỉ xác định yêu cầu phải xây dựng nhà nước pháp quyền và mới chỉ định hình được rằng, đó là nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ để quản lý mọi mặt đời sống xã hội, thì đến Đại hội VIII, Đảng ta lại xác định thêm tính “xã hội chủ nghĩa” cho nhà nước pháp quyền, tức là chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở đây, chúng ta thấy bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về nhà nước pháp quyền là ở chỗ đã đề cao tính pháp chế, coi đó là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng coi trọng khía cạnh đạo đức như một thuộc tính của xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xác định bản chất của nhà nước, đó là của dân, do dân và vì dân. Đồng thời với chủ trương tăng cường pháp chế, các Nghị quyết của Đại hội IX cũng chủ trương mở rộng dân chủ - là cơ sở chính trị - xã hội của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Còn về cơ sở kinh tế - chính trị của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng ta dựa trên bản chất định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường.

Chủ trương xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta khẳng định lại ở Đại hội X: “Xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”(2). Như vậy, ở đây chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy rằng, tính pháp chế là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền và bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về mặt tư duy lý luận, có lẽ điểm khác biệt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nhà nước pháp quyền khác là ở cơ chế vận hành của nhà nước, bởi vì ở các nhà nước pháp quyền tư sản thì cơ chế vận hành phổ biến là “tam quyền phân lập”. Việc Đảng ta xây dựng cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, chính là dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước và pháp luật.

Chủ trương đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đặc trưng đã nêu ở trên vẫn tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng, trong đó Đảng ta đặc biệt chú ý đến việc “nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương”(3).

Qua quá trình đổi mới và phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có thể thấy:

Một là, Đảng đã chỉ rõ tính tất yếu khách quan của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và coi đó là yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.

Hai là, nhận diện được hình hài của nhà nước pháp quyền: là phương thức tổ chức dân chủ quyền lực nhà nước mà theo đó pháp luật là cơ sở cho việc thực hiện quyền lực cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể trong xã hội.

Ba là, nhất quán chỉ rõ bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Bốn là, nhận rõ đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền là tính pháp chế, khẳng định vai trò, vị trí của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội, tính tối cao của Hiến pháp trong đời sống xã hội.

Năm là, xác định được cơ chế vận hành của các cơ quan quyền lực nhà nước: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Sáu là, thấy rõ yêu cầu mở rộng dân chủ đồng thời với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục đạo đức trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bảy là, khẳng định nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đó không chỉ mang tính nguyên tắc được khẳng định từ lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là kết luận chắc chắn được rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm bảo đảm cho nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng tạo điều kiện phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, giúp nhà nước hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình và giữ vững tính chất xã hội chủ nghĩa của nhà nước pháp quyền.

Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Bên cạnh những kết quả đã đạt được về mặt lý luận, thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm đổi mới đã bộc lộ không ít những vấn đề cần phải giải quyết cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Về phương diện lý luận, cần giải quyết một số vấn đề sau:

Một là, cần xác định rõ những đặc trưng xã hội chủ nghĩa của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng. Một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ dựa trên cơ sở tính pháp chế và dân chủ thì bất cứ nhà nước pháp quyền nào cũng như vậy. Còn nói đến cơ sở kinh tế của nhà nước pháp quyền của chúng ta là ở tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường thì vẫn chưa rõ và có phần khiên cưỡng, thiếu sức thuyết phục. Trong khi chính tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường cũng chưa được được làm rõ về mặt lý luận, thì có nên chăng lấy điều đó để lý giải cho một vấn đề chưa rõ khác? Hơn nữa, khi nền kinh tế - tức cơ sở hạ tầng mới chỉ là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nhà nước - tức kiến trúc thượng tầng có thể gọi là xã hội chủ nghĩa được không hay cũng chỉ mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa? Đó là vấn đề đặt ra cần được lý giải một cách khoa học. Chính vì trong lịch sử chưa từng có một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đích thực, cho nên trong lý luận về nhà nước pháp quyền vẫn còn một mảng trống mà chúng ta cần bổ sung và phát triển.

Hai là, cần làm rõ cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cần làm sáng tỏ “tính độc lập tương đối” của mỗi quyền, sự chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, bảo đảm quyền lực không bị tha hóa và bị lạm dụng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh chồng chéo cũng như tránh lạm quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Ba là, làm sáng tỏ hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Vấn đề đặt ra là chỉ ra được phạm vi tác động của Đảng cầm quyền đối với các cơ quan quyền lực nhà nước, chỉ rõ sự tối cao của pháp luật, tránh sự can thiệp tùy tiện của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, tránh sự bao biện, ôm đồm, không tôn trọng luật pháp.

Bốn là, làm rõ cơ chế bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân, của Mặt trận, của các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của Nhà nước. Sở dĩ vấn đề này được đặt ra là vì, mọi quyền hành chỉ thuộc về nhân dân khi có một cơ chế thích hợp để nhân dân có thể trực tiếp giám sát các hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, của hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, cũng như giám sát mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước. Phải có cơ chế thích hợp để cử tri có thể bày tỏ sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của mình đối với các đại biểu mà mình bầu ra, tạo điều kiện để các đại biểu gắn bó hơn với cử tri, đề cao ý thức trách nhiệm của người đại diện nhân dân.

Năm là, đổi mới tư duy pháp lý trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta. Mặc dầu trong gần 30 năm đổi mới toàn diện của đất nước, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực lập pháp, song hệ thống luật pháp của chúng ta cho đến nay vẫn tỏ ra chưa theo kịp thực tiễn và còn nhiều bất cập. Do vậy, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý lại được đặt ra một cách cấp thiết hơn, nhằm xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam một cách hoàn chỉnh và ổn định hơn, làm cơ sở cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đổi mới tư duy pháp lý cần hướng đến giải quyết những nhiệm vụ như xác định mô hình luật pháp của nước ta; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước trong lĩnh vực xây dựng và thực thi các thể chế pháp lý, để tiếp thu có chọn lọc các giá trị và kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đổi mới công tác kế hoạch lập pháp; thay đổi quan niệm về quy mô các đạo luật, nên tập trung xây dựng và thông qua các đạo luật có quy mô điều chỉnh hẹp. Một đạo luật với ít các điều khoản sẽ được nhanh chóng xây dựng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu điều chỉnh pháp luật, dễ dàng tương thích với các không gian pháp lý quốc tế. Tính hữu ích của một đạo luật ít điều khoản không chỉ được thể hiện ở sự gọn nhẹ về nội dung, dễ xây dựng, mà còn thể hiện ở việc dễ kiểm soát tính đồng bộ và thống nhất, dễ sửa đổi khi có nhu cầu và dễ áp dụng trên thực tế.

Về phương diện thực tiễn, cần giải quyết một số vấn đề như:

Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nghĩa là xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.

Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như xóa đói, giảm nghèo, xóa dần khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền ngược, vấn đề tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, khám chữa bệnh cho người nghèo…
Tăng cường kỷ cương phép nước, phải kiên quyết đấu tranh chống lại những hiện tượng vi phạm pháp luật mà nổi bật là tham nhũng và buôn lậu, xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân; làm hàng giả, trốn, gian lận thuế… gây tổn thất lớn cho Nhà nước và nhân dân. Thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính, về cơ chế chính sách, về quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, về công tác cán bộ,…

Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Bên cạnh việc xây dựng pháp luật, việc thực hiện pháp luật cũng có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật có thể rất đầy đủ, hoàn thiện nhưng việc thực hiện không nghiêm thì cũng không thể nói đến sự hiện diện của nhà nước pháp quyền.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật. Thực tiễn cho thấy rằng, một trong những nguyên nhân của việc thực hiện pháp luật chưa tốt là do kiến thức về luật pháp chưa tốt, nhiều người dân chưa am hiểu về luật pháp, chưa ý thức được sự cần thiết phải chấp hành luật, hoặc do không nắm được luật nên vi phạm mà không biết. Chính vì vậy, để tăng cường việc thực thi pháp luật, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, chú trọng sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, của các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như bộ máy chính quyền các cấp và cuối cùng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, để mệnh lệnh hành chính luôn được chấp hành một cách nghiêm túc và thông suốt từ trung ương đến cơ sở.

Tăng cường hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân các cấp, của các cơ quan và từng đại biểu hội đồng nhân dân, nhằm kiểm tra, đánh giá việc chấp hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền cấp trên; kiểm tra, đánh giá và kết luận, xử lý đối với việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng nhân dân.

Tăng cường đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Đây là vấn đề được đặt ra hết sức bức thiết nhằm ngăn chặn và hạn chế những tiêu cực, tình trạng sách nhiễu, quan liêu, tham nhũng,… trong các cơ quan nhà nước. Thực tiễn cho thấy, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có đạt đến độ hoàn hảo tuyệt đối, quy chế, quy tắc ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước có đạt đến độ hoàn mỹ thì cũng khó có thể đem lại hiệu quả như mong muốn nếu như trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức không thực hiện nghiêm pháp luật, chấp hành không đúng quy chế, quy tắc ứng xử đã được thể chế hóa.

Đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Đây không phải là một vấn đề mới vì nó được đặt ra một cách thường xuyên, liên tục, theo yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, trước thực trạng yếu kém và bất cập của các tổ chức Đảng, sự thoái hóa, tụt hậu và biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như hiện nay, thì vấn đề đổi mới và chỉnh đốn Đảng lại được đặt ra một cách bức thiết hơn bao giờ hết. Đổi mới và tự chỉnh đốn Đảng gồm nhiều nội dung như: Đổi mới công tác tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới công tác tổ chức, bộ máy của Đảng và của hệ thống chính trị; công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; công tác quần chúng,… Chỉ có tiến hành đồng bộ những nội dung đó mới làm cho Đảng ngày càng vững mạnh hơn, đủ năng lực lãnh đạo công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng, đây là sự nghiệp dài lâu của toàn Đảng, toàn dân, bởi vì trong việc này còn ngổn ngang nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải giải quyết cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Những vấn đề đó không phải dễ gì một sớm một chiều mà giải quyết được. Để đạt tới một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo đúng nghĩa của nó cần có sự nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước, sự đầu tư về trí tuệ, sức người, sức của, của toàn xã hội./.
-------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 51, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, tr. 340
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr. 126
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 247
ThS. Trần Kim Cúc

Thông điệp của Tổng Giám đốc UNESCO nhân lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế chấm dứt tình trạng làm ngơ trước tội ác chống lại nhà báo 2/11/2014

Nguồn: http://www.unesco.org/new/en/amman/about-this-office/single-view/news/message_from_ms_irina_bokova_director_general_of_unesco_on_the_occasion_of_the_inaugural_international_day_to_end_impunity_for_crimes_against_journalists_2_november_2014/#.VFM7t8nHyTM

Message from Ms Irina Bokova, Director-General of UNESCO, on the occasion of the Inaugural International Day to End Impunity for Crimes against Journalists, 2 November 2014



©UNESCO
Freedom of expression is a basic human right that is essential for human dignity, for the rule of law and for good governance. In times of change as we are now living, it is especially important to provide citizens with the information they need to make knowledgeable decisions about their lives and societies.

For this, we rely on journalists and the news media, together with social media producers who practice journalism. But their safety is not guaranteed - they face threats, harassment, violence, and even death.

The threat is grave. On average, one journalist is killed per week, and while fatalities include foreign correspondents, the vast majority of victims are local, covering local stories, living in a climate of impunity. This allows perpetrators to continue attacks without restraint, further crippling the free flow of information. Impunity is poisonous – it leads to self-censorship for fear of reprisal, depriving society of even more sources of significant information.

In December 2013, the United Nations General Assembly declared 2 November as the International Day to End Impunity for Crimes against Journalists, to raise awareness about the challenge of impunity and mobilise action against it. The date marks the assassination of two journalists, Gislaine Dupont and Claude Verlon, in Mali on 2 November 2013. The United Nations General Assembly tasked UNESCO as the lead UN agency of this Day, working with all relevant partners. This is the goal of the UN Plan of Action on the Safety of Journalists and the Issue of Impunity, spearheaded by UNESCO, bringing together UN agencies, governments, international community and civil society, to make real progress on the ground.

On this first International Day to End Impunity for Crimes against Journalists, I appeal to all Governments to ensure a swift and thorough investigation every time a journalist is killed, and to all partners for stronger cooperation to enhance the safety of journalists.

Impunity must not be allowed. On 2 November, we must stand together to ensure every journalist can do their job safely.

-----------
Bản dịch tiếng Việt (Phương Anh dịch)

Tự do biểu đạt là một quyền con người cơ bản, cần thiết để bảo đảm nhân phẩm, pháp quyền và quản trị tốt. Trong thời đại đầy những đổi thay như chúng ta đang sống, tự do biểu đạt trở nên đặc biệt quan trọng để cung cấp cho người dân những thông tin mà họ cần để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt đối với cuộc sống của chính họ cũng như đối với xã hội.

Để có tự do biểu đạt, chúng ta phải dựa vào các nhà báo và các phương tiện truyền tin, cũng như các nhà sản xuất truyền thông xã hội hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, sự an toàn của họ không được bảo đảm -- họ phải đối mặt với những đe dọa, quấy rối, bạo lực, và cả cái chết nữa.

Sự đe dọa này thật nghiêm trọng. Tính trung bình, mỗi tuần có một nhà báo bị giết, và mặc dù nạn nhân bao gồm cả phóng viên nước ngoài, nhưng đa số đó là những nhà báo địa phương, viết những phóng sự liên quan đến địa phương, và họ sống trong một môi trường nơi tội ác chống lại nhà báo không hề bị trừng phạt. Điều này cho phép thủ phạm tiếp tục các cuộc tấn công không hạn chế đối với nhà báo, tiếp tục làm tê liệt dòng chảy tự do của thông tin. Khi thủ phạm không bị trừng phạt thì thật nguy hiểm - nó dẫn đến tình trạng tự kiểm duyệt vì sợ bị trả thù, và hơn nữa nó còn tước đi của xã hội những nguồn thông tin đáng kể.

Trong tháng 12 năm 2013, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố chọn Ngày 2 tháng 11 làm Ngày Quốc tế chấm dứt tình trạng làm ngơ trước các tội ác chống lại nhà báo, nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức của tình trạng không bị trừng phạt và thúc đẩy hành động chống lại tình trạng này. Ngày 2/11 là ngày kỷ niệm hai nhà báo Gislaine Dupont và Claude Verlon bị ám sát tại Mali. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc giao cho UNESCO nhiệm vụ làm đầu mối để làm việc với tất cả các đối tác có liên quan nhằm tổ chức các hoạt động liên quan đến ngày này. Đây chính là mục tiêu của Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về sự an toàn của nhà báo và giải quyết tình trạng không bị trừng phạt, do UNESCO chịu trách nhiệm chính và tập hợp các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các chính phủ, cộng đồng quốc tế và xã hội dân sự, nhằm tạo ra sự tiến bộ thực sự trong quá trình tác nghiệp của nhà báo.

Nhân lần đầu tiên tổ chức Ngày quốc tế chấm dứt tình trạng không bị trừng phạt đối với các tội ác chống lại nhà báo , tôi kêu gọi chính phủ tất cả các quốc gia đảm bảo điều tra nhanh chóng và thấu đáo mỗi khi có nhà báo bị giết, và kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác chặt chẽ với nhau hơn để đảm bảo cho sự an toàn của nhà báo.

Không thể cho phép tình trạng không bị trừng phạt có thể tồn tại. Vào ngày 2/11 này, chúng ta phải đứng bên nhau để đảm bảo rằng mỗi nhà báo đều có thể thực hiện công việc của mình một cách an toàn.