Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Trung Quốc nêu cao pháp quyền vì sự thịnh vượng (QĐND - Thứ sáu, 24/10/2014)

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/binh-luan-quoc-te/trung-quoc-neu-cao-phap-quyen-vi-su-thinh-vuong/328295.html
------------
Trung Quốc nêu cao pháp quyền vì sự thịnh vượng 
QĐND - Thứ sáu, 24/10/2014
 
QĐND - Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vừa kết thúc có chủ đề trọng tâm là thúc đẩy pháp quyền, cụ thể là thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật. Hội nghị đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ “nói đi đôi với làm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi tại hội nghị này, Trung Quốc quyết định chính thức sa thải 6 cán bộ cấp cao vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”…

Bảo đảm tư pháp công bằng, độc lập
Hội nghị đã thông qua Nghị quyết trong đó đề ra các đường hướng chỉ đạo quan trọng liên quan đến thúc đẩy pháp quyền ở Trung Quốc. Trong đó xác định rõ mục tiêu tổng thể của việc thúc đẩy pháp quyền là thiết lập một hệ thống “các quy tắc xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” và xây dựng đất nước theo quy tắc “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Quang cảnh Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18. Ảnh: Tân Hoa xã
Một trong những mục tiêu cơ bản của thúc đẩy pháp quyền ở Trung Quốc là nhằm đảm bảo nền tư pháp công bằng, độc lập và nâng cao vai trò ảnh hưởng của tư pháp. Hội nghị xác định rõ cần đẩy mạnh cải cách pháp lý, nhằm đảm bảo tính độc lập cho các thẩm phán khi ra những phán quyết và hạn chế việc các quan chức chính quyền tác động tới quá trình tố tụng. Trung Quốc sẽ phát triển một thể chế mà theo đó, các quan chức sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ can thiệp vào quá trình tố tụng. Thậm chí, tên tuổi của các quan chức đó sẽ bị nêu công khai nếu họ tìm cách gây ảnh hưởng hoặc can thiệp trực tiếp đến hoạt động tư pháp, gây tổn hại đến công bằng xã hội.

Giáo sư Ma Huaide, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học chính trị và luật của Trung Quốc cho biết, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm triệt để các quan chức từ Trung ương tới địa phương can thiệp vào lĩnh vực tư pháp và quy trách nhiệm đối với những quan chức vi phạm. Giáo sư này cho rằng, việc đảm bảo tư pháp độc lập, không chịu ảnh hưởng từ các mệnh lệnh hành chính, các mối quan hệ riêng tư hay tiền bạc…, sẽ giúp người dân cảm nhận được sự công bằng và công lý trong quá trình tố tụng.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính minh bạch của hệ thống tư pháp cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp, các thẩm phán và công tố viên sẽ phải chịu trách nhiệm suốt đời đối với các vụ án mà mình xét xử và việc tham gia của người dân trong quá trình tố tụng sẽ được đảm bảo.

Đáng chú ý, hội nghị lần này nhấn mạnh Hiến pháp là hạt nhân của hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa và cần tăng cường tính thực thi của Hiến pháp. Thông cáo của hội nghị tuyên bố việc thực thi và tuân thủ Hiến pháp phải được đặt dưới sự giám sát của Quốc hội. Thông cáo cũng quy định rõ Quốc hội Trung Quốc và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đóng vai trò hữu hiệu hơn trong việc giám sát thực thi Hiến pháp.

Hội nghị cũng đề ra các nhiệm vụ quan trọng khác, bao gồm thúc đẩy thực thi quyền lực nhà nước theo pháp luật, đẩy nhanh xây dựng chính quyền pháp trị; tăng cường nhận thức pháp trị của toàn dân, thúc đẩy xây dựng xã hội pháp trị; tăng cường phát triển đội ngũ công tác pháp trị; tăng cường và cải tiến phương cách lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật.

Ngăn ngừa “lợi ích nhóm”
Đây là lần đầu tiên một hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ đề pháp quyền làm trọng tâm thảo luận. Điều này phản ánh rõ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng không thể thiếu của việc thực thi pháp luật đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh, thực thi pháp luật là “điều bắt buộc” nếu Trung Quốc muốn phát triển đất nước, xây dựng một xã hội thịnh vượng về mọi mặt, thúc đẩy sự phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc và nâng cao khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.  

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm còn 7,2% trong năm 2014 và sẽ còn tiếp tục giảm trong năm tới. Trong bối cảnh này, việc Trung Quốc đẩy mạnh pháp quyền được đánh giá là một hướng đi đúng đắn, không chỉ đem lại lợi ích về mặt chính trị, xã hội mà cả về kinh tế. Giới phân tích cho rằng, quyết định đẩy mạnh pháp trị sẽ tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn để Trung Quốc đi sâu cải cách toàn diện. Ông Bam-bang Xu-ri-ô-nô (Bambang Suryono), Giám đốc Quỹ Nanyang ASEAN cho rằng, thúc đẩy pháp trị sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài, làm giảm chi phí quản lý của doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động. “Nó cũng tạo ra nền tảng pháp lý để chống lại tình trạng “lợi ích nhóm”, ông B.Xu-ri-ô-nô nhấn mạnh. Đáng chú ý, ông B.Xu-ri-ô-nô cho rằng, quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy pháp trị là một bước đi tích cực nhằm giảm những căng thẳng, mâu thuẫn chính trị và xã hội bởi pháp trị sẽ giúp đẩy mạnh chống tham nhũng và hiện đại hóa hệ thống quản lý của Trung Quốc.  

 “Chúng tôi cho rằng, các biện pháp được thông qua sẽ giúp thúc đẩy luật pháp và trật tự ở Trung Quốc, làm giảm tình trạng quan liêu hành chính ở các cấp chính quyền. Thực thi pháp luật nghiêm ngặt, một hệ thống tư pháp hiệu quả và được chuẩn hóa, thẩm phán chuyên nghiệp sẽ giúp thúc đẩy công bằng xã hội và công lý. Những điều này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường”, ông Chang Jian, chuyên gia kinh tế của ngân hàng thuộc Barclays Plc tại Hồng Công (Trung Quốc) nhận định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét