Đặng Quang Huy
Phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh – người bạn rất thân thiết của nhân dân Trung Quốc
– người vun đắp tình hữu nghị Việt Trung – nhà cách mạng vô sản đã từng
hoạt động nhiều nơi ở Trung Quốc và đến Quế Lâm bốn lần, đã từng hoạt
động cách mạng trong thời gian chiến tranh chống Nhật, trong vai một
quân nhân bình thường. Người đã từng ở văn phòng Bát Lộ Quân Quế Lâm và
có những cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Trung Quốc và
đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Việt Nam, viết nên những
trang sử trong quan hệ hữu nghị Việt – Trung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911.
Người lần lượt đến các nước Pháp, Nga, Trung Quốc… hoạt động trong
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Năm 1930, tại Hồng Kông, Người
đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, Người sang Liên Xô học tập.
Đầu tháng 10/1938, Người rời Matxcơva, tìm đường về nước để trực tiếp
lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người qua biên giới Xô - Trung, vào Urumsi
(Tân Cương) để đến Lan Châu. Một cán bộ cao cấp trong quân đội của Đảng
Cộng sản Trung Quốc phụ trách văn phòng Bát Lộ Quân đóng ở Lan Châu thời
gian này nhận được lệnh đón một cán bộ quan trọng của Quốc tế Cộng sản
đi qua đây, chuẩn bị cho đồng chí đó một chứng minh thư Trung Quốc với
tên Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá. Người cán bộ đó chính là Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc lần này trong hoàn cảnh: Đảng Cộng
sản Trung Quốc lập lại Mặt trận thống nhất, hợp tác với Quốc dân Đảng để
cùng chống Nhật. Do đó, Hồng quân Trung Quốc đổi tên là Bát Lộ quân và
Tân tứ quân.
Lúc đó, Vũ Hán, Quảng Châu bị chiếm đóng, tình hình miền Bắc Hồ Nam
càng ngày càng phức tạp. Quảng Tây (vùng đất tiếp giáp với Việt Nam) trở
thành đường giao thông quan trọng liên lạc giữa Hoa Đông, Hoa Nam, Tây
Nam cho đến Hồng Kông và hải ngoại. Hạ tuần tháng 11/1938, Chu Ân Lai
chỉ thị cho Lý Khắc Nông thiết lập văn phòng Bát Lộ Quân Quế Lâm để Đảng
Cộng sản Trung Quốc có một tổ chức đại diện công khai và là hạt nhân
lãnh đạo ở phương Nam (Trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thường gọi là văn
phòng Cục phương Nam Quế Lâm). Đây là một cơ hội rất tốt và điều kiện
thuận lợi để Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu tình hình Quảng Tây và Việt Nam,
tranh thủ thời cơ sớm về nước lãnh đạo cách mạng. Do đó, Người quyết
định không ở lại Diên An, mà trở về phương Nam. Với sự sắp xếp của Trung
ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 12/1938, Nguyễn Ái Quốc về đến Quế
Lâm.
Lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc chỉ tiếp xúc riêng với Chu Ân Lai, Diệp
Kiếm Anh, Lý Khắc Nông. Lấy Quế Lâm làm trung tâm, Người chọn văn phòng
Bát Lộ Quân làm cơ sở hoạt động cách mạng. Mọi công việc ở đây đều được
tiến hành bí mật. Trong bài viết của mình, Nguyễn Ái Quốc đã nhớ lại
giai đoạn hoạt động này: “Thế là tôi học được một ít kinh nghiệm xây
dựng Đảng khi ở Liên Xô, kinh nghiệm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản
khi ở Pháp, kinh nghiệm chống thực dân và phong kiến khi ở Trung Quốc.
Trong lúc đó, các đồng chí Trung Quốc ra sức giúp tôi chắp liên lạc với
trong nước ta”([1]).
Khi
về đến Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc ở thôn Lộ Mạc – một trạm vận chuyển của
văn phòng Bát Lộ Quân (Quế Lâm). Người lấy tên là Hồ Quang, Lý Khắc Nông
đề nghị Người làm việc ở Phòng Cứu vong. Người làm việc rất chu đáo,
chân thành với mọi người và sống giản dị. Phòng Cứu vong giống như một
câu lạc bộ nhưng không phải là câu lạc bộ bởi vì còn có nhiệm vụ giáo
dục chính trị, văn hoá. Lúc bấy giờ, đồng chí Hà Khải Quân là Chủ nhiệm
Phòng Cứu vong kiêm giáo viên văn hoá. Hồ Quang là uỷ viên bảo vệ sức
khoẻ kiêm uỷ viên phụ trách tờ báo tường.
Hàng
ngày, Người kiểm tra vệ sinh rất tỉ mỉ và yêu cầu rất nghiêm khắc.
Những ai làm vệ sinh không tốt, Người đều phê bình. Ngoài ra, Người còn
là chủ biên tờ “Sinh hoạt tiểu báo”. Đây là tờ báo nội bộ của cơ quan
văn phòng. Các bài đều được viết trên giấy kẻ ô vuông, sau đó đóng thành
tập. Người tự vẽ bìa, vừa viết bài, có lúc làm thơ theo lối cổ của
Trung Quốc. Người thường xuyên viết bài cho tờ báo này, rất đúng hạn,
với tác phong làm việc rất cẩn thận. Tờ “Sinh hoạt tiểu báo” cứ 10 ngày
ra một kỳ.
Hàng ngày, Người dậy rất sớm, ngay sau khi dậy, việc đầu tiên là Người
quét nhà. Hầu như ngày nào Người cũng quét nhà. Nền nhà bằng đất, lúc
quét rất bụi, Người không sợ bẩn và không sợ mệt nhọc. Người thường dùng
khăn mặt hoặc khăn mùi xoa bịt miệng như khẩu trang. Cuộc sống của
Người ở đây rất gian khổ và chất phác. Mùa hè, Người thường mặc áo may
ô, chân đi guốc mộc hoặc dép lê, không có quần áo sang trọng. Nhiều khi
đi vào thành phố Người cũng chỉ mặc một chiếc áo khoác cũ kỹ màu nâu.
Người rất ít dùng xà phòng thơm, chỉ dùng xà phòng giặt và cũng chỉ dùng
để rửa tay. Người ăn thức ăn như mọi người, cơm và rau luộc. Hàng ngày,
Người tự đi lấy cơm ở nhà bếp. Người quan hệ với quần chúng rất tốt,
nói năng ôn tồn, không hề nổi nóng với đồng chí nên rất được các đồng
chí khác kính trọng, coi Người là lớp đàn anh. Người thường xuyên tham
gia các buổi ngâm thơ, những buổi ca hát, những buổi liên hoan v.v…
Người còn rất thích các hoạt động thể dục. Hàng ngày, Người buộc bao cát
hoặc thỏi sắt vào chân để rèn luyện sức khoẻ. Mùa hè, Người cùng bơi
lội với các đồng chí. Con người Hồ Quang rất hóm hỉnh, cởi mở. Có đồng
chí đùa hỏi Người “đồng chí là người ở đâu?”. Người trả lời: “Tổ tông
thì ở đảo Hải Nam, còn thực tế là sống ở nước ngoài”. “Tại sao lại lấy
tên là Hồ Quang?”. “Tôi có râu, lại trọc đầu nên gọi là Hồ Quang” (Chữ
“Hồ” đọc theo tiếng Bắc Kinh có nghĩa là râu, chữ “Quang” đọc theo tiếng
Bắc Kinh có nghĩa là trọc).
Từ tháng 12/1938 đến tháng 12/1940, Hồ Quang đã lui tới Quế Lâm 4 lần
để triển khai các hoạt động bí mật. Ở văn phòng Bát Lộ Quân, mọi người
đều không biết lai lịch và cương vị của Người, công việc cụ thể cũng
không ai hỏi. Từ Diên An về Quế Lâm, Người muốn có ngay một chiếc máy
chữ, đồng chí Lý Khắc Nông đã chỉ thị cho một giao liên bí mật là Lý Bái
Quần sang Việt Nam mua về. Tại Phòng Cứu vong, công việc chủ yếu của
Người là viết tờ ‘Sinh hoạt tiểu báo”. Ngoài công việc chung, Người
thường ngồi đánh máy trong phòng của mình. Người nghiên cứu thời cuộc,
phân tích tình hình, ghi chép những điều tâm đắc khi đọc “Bàn về đánh lâu dài” của Mao Trạch Đông, các văn kiện, các báo như Tân Hoa nhật báo, Cứu Vong nhật báo v.v… Người còn đánh máy các bài để gửi về nước.
Tháng 6/1939, với danh nghĩa là nhân viên điện đài của văn phòng Bát Lộ
Quân Quế Lâm và do Chu Ân Lai giới thiệu, Người tham gia vào lớp huấn
luyện du kích Nam Nhạc – Hành Dương – tỉnh Hồ Nam khoá II. Đến lớp huấn
luyện du kích Nam Nhạc, Người được phân công làm Bí thư một chi bộ Đảng
Cộng sản Trung Quốc và phụ trách nghe Đài Phát thanh của Trung Quốc và
nước ngoài để nắm tình hình kịp thời. Cùng với việc nghiên cứu chiến
lược, chiến thuật của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh du kích
chống Nhật, Người còn tận dụng thời cơ tìm hiểu và tổng kết một cách
toàn diện những kinh nghiệm về mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật
của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 7/1939, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi báo cáo tới Quốc tế
Cộng sản “Những ý kiến về mặt trận dân chủ” yêu cầu Đảng phải
vạch mặt bọn phản động tờ rốt kít. Văn kiện đó được chuyển về cho Đảng
Cộng sản Việt Nam, kịp thời chuyển hướng sách lược đấu tranh, đặt cơ sở
cho việc thành lập Việt Nam độc lập đồng minh sau này.
Trong danh sách khoá III của trường huấn luyện du kích Nam Nhạc mặc dù
vẫn còn ghi tên Hồ Quang (tức Nguyễn Ái Quốc) nhưng thực tế Người không
tham gia. Người đã từ Nam Nhạc trở về Quế Lâm. Người và Ngô Khê Như, Tào
Anh sống trong một nhà dân ở đường Trung Sơn Bắc ngoài thành phố. Lúc
này, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong nước đã thăm dò qua Đảng
Cộng sản Trung Quốc về nơi ở của Người, liền cử người sang Long Châu
(Quảng Tây) để bắt liên lạc với Người, nhưng lần liên lạc này không
thành công. Sau này, trong tác phẩm “Cách mạng Trung Quốc và cách mạng
Việt Nam”, Người đã viết về sự kiện đó: “Trung ương ta có phái đồng
chí X ra tìm tôi ở Long Châu. Tiếc vì X bị một “người bạn” xoáy hết
tiền, phải trở về nước trước khi tôi đến Long Châu”([2]).
Lúc Hồ Quang từ Quế Lâm bí mật đi về Long Châu là do một giao thông
viên của văn phòng Bát Lộ Quân tên là Lý Bái Quần đi hộ tống. Vào khoảng
tháng 11/1939, Lý Bái Quần nhận nhiệm vụ đi từ Quế Lâm qua đường Việt
Nam để đến Hồng Kông. Trước khi đi Lý Khắc Nông đã gặp Lý Bái Quần để
giao nhiệm vụ đưa đồng chí Hồ Quang đến Long Châu để chắp liên lạc với
người của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nước phái sang Long Châu.
Lý Bái Quần đưa đồng chí Hồ Quang từ Quế Lâm về Liễu Châu, rồi về Nam
Ninh và Long Châu. Đến Long Châu Lý Bái Quần và Hồ Quang ở trong một nhà
trọ bình dân. Chờ đến 3 ngày vẫn không thấy người ở trong nước ra chắp
liên lạc nên đồng chí Hồ Quang đành theo đường cũ trở về Quế Lâm còn Lý
Bái Quần từ Long Châu đi tiếp sang Việt Nam để đi Hồng Kông.
Lần
thứ ba Hồ Quang từ Long Châu trở về Quế Lâm, văn phòng Bát Lộ Quân tiếp
tục giúp Người tìm chắp liên lạc với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
một mặt khác Hồ Quang quyết định lấy tư cách là quân nhân Bát Lộ Quân
để về hoạt động ở vùng Tây Nam Trung Quốc. Đầu năm 1939, văn phòng Bát
Lộ Quân ở Quý Dương được chính thức thành lập. Cuối năm 1939, trên đường
Hồ Quang từ Quế Lâm đi Trùng Khánh để gặp Trung ương Đảng Cộng sản
Trung Quốc đã dừng lại ở Quý Dương. Sau đó, Người còn qua lại Quý Dương
nhiều lần, mỗi lần đến Người đều ở trên gác của văn phòng Bát Lộ Quân
Quý Dương, có lần Người lưu lại 3 ngày đến 5 ngày, có lần lưu lại 10
ngày đến 15 ngày. Người luôn mang theo một chiếc máy chữ và ngồi trong
phòng đánh máy cả ngày.
Đầu
năm 1940, Hồ Quang từ Quý Dương đi Trùng Khánh, đồng chí Chu Ân Lai đã
tiếp Người và bố trí Người ở tại văn phòng Bát Lộ Quân tại thôn Hồng
Nham (Cục Phương Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đặt tại đây).
Tháng 2/1940, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người đến
Côn Minh, chắp liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Không lâu sau, Người đã gặp đồng chí Vũ Anh (lãnh đạo Ban Hải ngoại của
Đảng Cộng sản Đông Dương). Đồng chí Vũ Anh đã đưa Người đến cơ quan bí
mật của Đảng bộ Hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương để gặp đồng chí Phùng
Chí Kiên và đồng chí Hoàng Văn Hoan. Sau mấy tháng Người công tác ở Ban
Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Côn Minh, khoảng tháng
10/1940, Người lại qua Quý Dương (lần thứ tư) để trở về Quế Lâm và vẫn ở
văn phòng Bát Lộ Quân Quế Lâm.
Tháng
10/1940, đồng chí Hoàng Văn Hoan đến Quế Lâm, lúc này Hồ Quang đã ở Quế
Lâm, cụ Hồ Học Lãm thì đang chữa bệnh ở bệnh viện Quế Lâm. Đồng chí
Hoàng Văn Hoan thường bí mật đến gặp Người ở văn phòng Bát Lộ Quân, báo
cáo với Người và xin chỉ thị của Người về các hoạt động. Vấn đề trước
tiên là hoạt động dưới danh nghĩa nào? Người chủ trương lấy danh nghĩa
Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh), mời cụ Hồ Học Lãm
làm Chủ tịch. Cụ Hồ Học Lãm ủng hộ việc làm này và còn giới thiệu đồng
chí Hoàng Văn Hoan và một số người khác đi gặp Lâm Uý (Phó Chủ nhiệm
hành dinh khu Tây Nam), nhờ Lâm Uý giới thiệu để gặp Lý Tế Thâm (Chủ
nhiệm hành dinh khu Tây Nam). Theo chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, anh em đã
viết Lịch sử Việt Minh bằng chữ Hán trao trực tiếp cho Lý Tế Thâm.
Trong buổi nói chuyện ấy, Lý Tế Thâm không tỏ ra đồng ý, cũng không tỏ
ra phản đối. Sau đó, Văn phòng Việt Minh cũng mặc nhiên được thừa nhận
là một cơ quan hợp pháp.
Ngày
16/12/1940, Việt Minh họp với giới văn hoá, báo chí tại tiệm trà Đông
Pha. Trong cuộc họp đó, Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp) báo cáo về
tình hình các đảng phái của Việt Nam. Ngày hôm sau, trang hai của Cứu vong Nhật báo đã tường thuật tỉ mỉ về cuộc họp đó.
Thông
qua mối quan hệ nội bộ trong văn phòng Bát Lộ Quân, Hồ Quang cử đồng
chí Phạm Văn Đồng gặp gỡ một số nhà văn tiến bộ Trung Quốc, tiếp xúc với
đông đảo giới văn hoá, giới báo chí ở Quế Lâm để thành lập Hội đồng chí
công tác văn hoá Trung Việt, tổ chức lễ thành lập chính thức vào ngày
8/12/1940 tại Hội trường Lạc Quần. Trong thời gian thành lập, ngày
1/12/1940 đã tổ chức cuộc toạ đàm Trung Việt đầu tiên, thông qua Tuyên
ngôn của Đại hội.
Năm
1940, cao trào chống đế quốc Nhật, thực dân Pháp xâm lược không ngừng
phát triển ở Việt Nam. Vùng gần biên giới Trung Quốc, nhân dân Việt Nam
rầm rộ khởi nghĩa. Nguyễn Ái Quốc chủ trương đoàn kết các dân tộc để đấu
tranh, nhằm giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do. Ở Quế Lâm, Người
đã nỗ lực không mệt mỏi vì công việc. Tháng 10/1940, sau khi Người và
những người cộng sản Việt Nam đến Quế Lâm không lâu, Tư lệnh Đệ tứ chiến
khu phái Trương Bội Công dẫn đội công tác biên giới Trung Việt từ Liễu
Châu về hoạt động ở Tĩnh Tây. Lúc này, có một nhóm thanh niên Việt Nam
nổi dậy không thành công, bị thực dân Pháp truy lùng, phải trốn sang
Trung Quốc, dựa vào quân đội của Trương Bội Công. Một người Việt Nam
trong quân ngũ của Trương Bội Công là Trương Trung Phụng đồng tình với
cách mạng đã viết thư lên Quế Lâm thông báo về việc rất nhiều cán bộ
Việt Nam qua biên giới đến Quảng Tây, đề nghị với người của Đảng Cộng
sản Đông Dương cử người đến chắp nối liên lạc với họ. Nhận được tin này,
Nguyễn Ái Quốc đang ở văn phòng Bát Lộ Quân đã bí mật cử Võ Nguyên
Giáp, Vũ Anh và Cao Hồng Lĩnh đi Tĩnh Tây để liên lạc với nhóm thanh
niên ấy. Đồng thời tìm cách khuyên Trương Bội Công gửi điện đến Quế Lâm
mời đại diện của Việt Minh về Tĩnh Tây để bàn bạc, thương lượng.
Hạ
tuần tháng 12, Hồ Quang và một số đảng viên cộng sản Việt Nam đang hoạt
động ở Quế Lâm nhận được điện của Trương Bội Công mời Việt Minh, lập
tức rời Quế Lâm đi Tĩnh Tây. Lý Tế Thâm cấp cho 800 “nguyên” (đơn vị
tiền Trung Quốc lúc bấy giờ) tiền đi đường, cấp giấy thông hành cho
“Đoàn công tác Hoa Nam” có đóng dấu, trên đó có hai chữ đỏ “Trung chính”
của Tưởng Giới Thạch. Người và đồng chí Hoàng Văn Hoan đến Liễu Châu,
hội ngộ với các đồng chí từ Côn Minh về như Đặng Văn Cáp, Nguyễn Văn
Lộc, Đỗ Đăng Trình, sau đó tất cả cùng đi Nam Ninh bằng xe ô tô. Hai
ngày sau lại xuống thuyền đi Điền Đông rồi về Tĩnh Tây.
Đến
Tĩnh Tây, Người lập tức cử đồng chí Vũ Anh về Việt Nam, chọn một địa
điểm gần biên giới Việt – Trung ở tỉnh Cao Bằng để dùng làm nơi đóng cơ
quan bí mật của Đảng. Trong nước cũng phái các đồng chí Hoàng Văn Thụ,
Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đến Tĩnh Tây để tìm gặp Người.
Lúc
này Trương Bội Công được sự ủng hộ của Quốc dân Đảng Trung Quốc, lại
nắm đội công tác biên giới Trung – Việt. Để tạo thuận lợi cho hoạt động
của Đảng ở vùng biên giới, Nguyễn Ái Quốc đã cử các đồng chí Hoàng Văn
Hoan, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tiếp xúc và làm việc với Trương Bội
Công. Sau một thời gian đàm phán, cuối tháng 12/1940, tổ chức Uỷ ban Dân
tộc Giải phóng Việt Nam được chính thức thành lập ở Tĩnh Tây. Tổ chức
này trong thực tế chịu sự khống chế của Quốc dân Đảng. Những người cộng
sản Việt Nam một mặt đã lợi dụng mối quan hệ với Quốc dân Đảng Trung
Quốc để có dịp hoạt động công khai ở vùng biên giới, mặt khác phân hoá
những người trong tổ chức của Trương Bội Công, để lôi kéo số thanh niên
từ trong nước trốn sang đi theo. Vì vậy, Người đã lấy danh nghĩa “Đội
công tác biên khu” để tổ chức một lớp huấn luyện gồm 43 người, sau đó
phái số thanh niên được huấn luyện về nước. Tháng 2/1941, Người đã đi
qua cột mốc biên giới số 108 Tĩnh Tây - Trung Quốc để trở về Việt Nam
sau 30 năm xa cách.
Những
hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Hồ Quang trong thời
gian Người làm việc và hoạt động ở văn phòng Bát Lộ Quân Quế Lâm – Trung
Quốc chỉ là một phần trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Người, song
đã phản ánh chân thực về mối quan hệ thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau, đồng
cam cộng khổ của nhân dân hai nước Trung – Việt trong sự nghiệp cách
mạng chung. Ngày nay, chúng ta tìm hiểu bước đường Người đã đi qua để
nhắc lại lịch sử, để tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Trung
phát triển, bền vững, như lời Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ trong dịp kỷ niệm 40
năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Mối quan hệ cách mạng Trung
Quốc và cách mạng Việt Nam thật là: Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình… Mối tình hữu nghị vinh quang muôn đời”./.
1, 2 Cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam – HCM toàn tập – Tập 10 – tr 367
- See more at: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/articledetail.aspx?articleid=164&sitepageid=425#sthash.HXJmspyy.dpuf