Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Chiến tranh biên giới 1979 (đăng lại từ Vietnamnet 14/3/2016): Bài 1

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/293583/chien-tranh-bien-gioi-1979-nhan-chung-va-nam-mo-400-nguoi.html
-------------

Không được phép lãng quên:

Chiến tranh biên giới 1979: Nhân chứng và nấm mồ 400 người

Lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng, chỉ vài người sống sót, trở thành nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng.
LTS: Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài học trong ứng xử bang giao.
Từ ngày 17/2 đến 16/3/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã điều động một lượng lớn quân đội và vũ khí hiện đại nhất tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Trong cuộc tấn công này, họ đã phá hoại hoàn toàn 4 thị xã, hơn 20 thị trấn, huyện lỵ, nhiều làng xóm, nhà máy, hầm mỏ, nông trường, cầu đường, nhà cửa… của nhân dân ta tại những nơi lính Trung Quốc đi qua. Sau đó, TQ tuyên bố đã đạt mục đích, bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam. 
Tuần Việt Nam khởi đăng loạt bài Chiến tranh biên giới 1979: nhân chứng và những nấm mồ nhằm cung cấp thêm tư liệu để mọi người cùng ghi nhớ, không được phép lãng quên.

Chiến tranh biên giới 1979: Không thể lãng quên
Mời độc giả xem clip hình ảnh pháo đài Đồng Đăng và nhân chứng kể chuyện:
 
Thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn giờ đã là một trong những trung tâm thương mại sầm uất. Đây là cửa ngõ biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Nhìn người dân hai nước qua lại buôn bán tấp nập, ít ai còn nhớ chính nơi này đã diễn ra cuộc tập kích bất ngờ từ phía bên kia biên giới.  
Ngay tại vị trí hiện nay là chợ Đồng Đăng, dưới chân pháo đài Đồng Đăng là nấm mồ chung của gần 300 dân thường, một đại đội bộ đội biên phòng và nhiều dân quân, công an địa phương khác.
Cuộc giằng co mốc biên giới giữa một bên cố gắng bảo vệ chủ quyền, một bên cố gắng cưỡng chiếm đã nung nấu từ năm 1977. Những báo hiệu về chiến tranh từ Trung Quốc và tin tức nóng hôi hổi dội về từ biên giới Tây Nam hồi đó đã khiến cho người dân vùng biên ải phía Bắc càng thêm căng thẳng. Người dân Lạng Sơn khi đó đã chuẩn bị các căn hầm trú ẩn. Thóc ngô thu hoạch xong được chuyển lên hang đá cất giữ. Dầu vậy, cuộc tập kích xảy ra vẫn quá bất ngờ, về quy mô và độ tàn khốc.
chiến tranh, biên giới 1979, trung quốc, việt nam, hải đảo, Biển Đông
Bà Chu Ngọc Lan. Ảnh: Hoàng Hường
Theo lời kể của nhiều nhân chứng, cuộc tấn công tổng lực vào Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam bắt đầu từ khoảng 4h sáng ngày 17/2/1979, khi người dân vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ. Tiếng pháo và ánh sáng chói xé rách màn đêm. Người dân miền biên viễn bị đánh thức bồng bế nhau người chui xuống hầm trú ẩn, người chạy lên hang tìm chỗ lánh nạn.
Ở tuổi 70, bà Chu Ngọc Lan, hiện sống tại phố Nam Quan, Đồng Đăng không thể quên ngày bà mất đi người chồng thương yêu cùng hàng trăm bà con họ hàng làng xóm tại Đồng Đăng. Đúng sáng hôm Trung Quốc tấn công, bà đưa hai con về nhà ngoại gần đó. Ba quả đạn pháo rơi trúng nhà, chồng bà chưa kịp xuống hầm trú ẩn đã tử nạn. Bà cùng hai đứa con và mấy người họ hàng chia nhau một căn hầm ở nơi khác. Pháo rơi như mưa, nhưng sau đó họ được dân quân giải cứu và đưa đến nơi an toàn.
chiến tranh, biên giới 1979, trung quốc, việt nam, hải đảo, Biển Đông
Bà Hà Thị Hiển. Ảnh: Hoàng Hường
Một người dân Đồng Đăng khác là chị Hà Thị Hiển, hiện là GĐ Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang tại TP Lạng Sơn, phải chứng kiến mẹ chết ngay trước mắt. Lúc đó chị Hiển 14 tuổi. Khi quân Trung Quốc ập vào Lạng Sơn, chị cùng cả nhà xuống hầm trú ẩn được một ngày.  
Sau đó trước nguy cơ bị ngạt và bị phát hiện, cả gia đình quyết định chui lên và bỏ chạy tứ tán. “Chúng tôi vẫn được nghe những câu chuyện rùng rợn về cách Polpot đối xử với phụ nữ và trẻ em. Tôi tâm niệm thà chết còn hơn là bị rơi vào tay giặc”. Vừa lên khỏi hầm, bố chị Hiển bị lính Trung Quốc bắn bị thương ngất đi. Sau hai ngày nằm đó ông tự tỉnh lại và được dân quân tìm thấy.
Mẹ chị Hiển kém may mắn hơn. Hai mẹ con chạy cùng nhau và bà dính đạn mất tại chỗ. Chị Hiển tiếp tục chạy. Dọc đường, chị gặp một người phụ nữ bị thương cụt cả hai chân cầu cứu. “Suốt cả đời tôi không quên được hình ảnh mẹ tôi bị bắn, và ánh mắt người phụ nữ ấy. Cô ấy khẩn cầu tôi cứu giúp, nhưng lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ, và cũng đang chạy nạn, chẳng giúp được gì”, chị Hiển không bao giờ quên.
Còn trong tâm trí anh Hoàng Hữu Dư vẫn còn nguyên cảm giác hoảng sợ tột cùng khi tận mắt thấy “nguyên một dòng sông đầy xác người” ở quê anh, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, Lạng Sơn.
Anh Dư lúc đó 17 tuổi, đang tham gia dân quân thị trấn. Khi lính Trung Quốc ồ ạt kéo sang tấn công “trong vài tiếng buổi sáng đã thấy lính Trung Quốc tràn ngập thị trấn”, anh Dư cùng hỗ trợ bà con đi tìm nơi trú ẩn. Lính Trung Quốc tràn vào Tràng Định bắn giết và bắt 5 người dân làm tù binh, sau đó mấy năm những người dân này được trở về.
chiến tranh, biên giới 1979, trung quốc, việt nam, hải đảo, Biển Đông
Cửa vào pháo đài Đồng Đăng, nơi chôn vùi gần 400 người. Ảnh: Hoàng Hường
Khúc bi tráng trên pháo đài Đồng Đăng 
Sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ ở phố núi Bình Gia, Lạng Sơn. Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hoàng Văn Liên giờ đã là một người đàn ông trung niên tóc bạc. Ông là một trong hai người sống sót tại pháo đài Đồng Đăng, nấm mồ chung của gần 400 người cả dân thường và bộ đội Việt Nam.  
Nhập ngũ năm 1978, ông Liên được điều động về đội cảnh sát cơ động tỉnh Lạng Sơn. Vào thời điểm này, tình hình biên giới nhiều biến động, ông Liên và đồng đội thường xuyên phải đi tuần biên giới. Sáng sớm 17/2/1979, sau phiên tuần như thường lệ, ông thấy pháo từ phía Trung Quốc bắn sáng rực bầu trời, người dân cuống quýt tìm nơi trú ẩn. Ông cùng đồng đội chống trả và bảo vệ người dân, nhưng sau đó đơn vị của ông hy sinh gần hết, ông cùng 3 người nữa rút lên pháo đài Đồng Đăng, nơi có một đại đội biên phòng Việt Nam đang chiến đấu, và gần 300 người dân đang trú ẩn trong hầm.
chiến tranh, biên giới 1979, trung quốc, việt nam, hải đảo, Biển Đông
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hoàng Văn Liên, đã chiến đấu kiên cường tại pháo đài Đồng Đăng. Ảnh: Hoàng Hường
Nhóm của ông cùng lực lượng biên phòng chiến đấu quyết liệt. Sau ba ngày, bộ đội tại các lực lượng đã hy sinh gần hết. Những người còn lại rút vào cố thủ trong pháo đài và bắn qua lỗ châu mai. Pháo đài có 3 cửa, một cửa đã bị lấp từ trước, 2 cửa còn lại bị lính Trung Quốc chiếm giữ. Đến ngày thứ 4, lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến toàn bộ gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng. Ông và một đồng đội khác lợi dụng đêm tối đã lên khỏi hang rút đi, trở thành 2 nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng.
Với chiến công diệt 34 tên giặc, bắn cháy một ô tô chở vũ khí của Trung Quốc, chiến đấu kiên cường bảo vệ người dân và chủ quyền lãnh thổ, ông Hoàng Văn Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.  
Pháo đài Đồng Đăng vẫn ở đó, trở thành chứng tích của một sự kiện lịch sử, là nấm mồ chung của gần 400 người Việt Nam.
(Còn tiếp)
Hoàng Hường

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946: Cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ (đăng lại từ Nghiên cứu quốc tế 14.3.2016)

http://nghiencuuquocte.org/2016/03/14/hiep-dinh-631946-co-hoi-hoa-binh-bi-bo-lo/
----------------
Tác giả: Lê Đỗ Huy (trích dịch)
Theo các nhà Việt Nam học phương Tây, Hiệp định sơ bộ 6 – 3 chính là một khung pháp lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cược uy tín của mình để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh giữa hai dân tộc Pháp – Việt. Do các thế lực đế quốc không nhìn nhận thiện chí của Việt Nam trong các văn bản pháp lý đầu tiên giữa Pháp và VNDCCH, đã đưa đến trận bão nhấn chìm hệ thống thuộc địa kiểu cũ.
Trong sách Việt Nam: Lịch sử và chiến tranh (Vietnam – Warfare and History), NXB University Press of Kentucky phát hành năm 1999, Giáo sư Spencer Tucker viết về Hiệp định sơ bộ 6-3 như sau:

Đầu 1946, với khoảng 40 ngàn quân, Pháp mới chỉ kiểm soát được một it đất đai ngoài các thành phố, và các đường quốc lộ (ở Nam Bộ). Tới tháng 3/1946, Leclerc cũng chỉ mới có 50 ngàn quân. Khác với hầu hết những người Pháp, Leclerc nhận thức được khó khăn của cuộc chiến tranh trong rừng rậm, và nghiêng sang hướng đàm phán để có được một giải pháp chính trị, chứ không chủ trương giải quyết vấn đề bằng quân sự. Điều này có nghĩa là (Pháp) phải từ bỏ toan tính tách rời xứ Nam Kỳ. Tin chắc rằng Việt Minh là một trào lưu dân tộc chủ nghĩa mà Pháp không thể khuất phục bằng quân sự, Leclerc ép đại diện của Pháp ở miền Bắc, Jean Sainteny, ký bằng được một thỏa ước với Hồ Chí Minh, người đứng đầu chính phủ đang kiểm soát Hà Nội và Hải Phòng. Trong một báo cáo mật gửi về Paris hôm 27/3, Leclerc nói sẽ không một giải pháp nào bằng bạo lực là khả thi ở Đông Dương.
6/1/1946, chính quyền của Hồ Chí Minh tổ chức tuyển cử, chủ yếu trên các vùng phía bắc của đất nước. Dù các cuộc bầu cử diễn ra không dễ dàng, việc Hồ Chí Mình thắng cử là không thể nghi ngờ. Trong chính phủ hợp hiến, dù những người cộng sản chiếm đa số, nhưng cũng gồm cả những người chống cộng, vì Hồ Chí Minh vẫn còn hy vọng vào sự công nhận và hiệp trợ của Mỹ. Đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đê điều ở miền Bắc ở trong tình trạng tồi tệ vì một thời không được gia cố và do các cuộc ném bom của Đồng minh, đa số dân cư vẫn chịu nạn đói. Vì sự hiệp trợ của Mỹ chưa tới ngay, và Hồ Chí Minh buộc phải thương thảo (để tránh đụng độ ngay) với Pháp…
Trong một điểm then chốt của Tạm ước 6/3, Pháp chấp thuận về một cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam để quyết định xem Nam Bộ có tham dự vào thành phần một nước Việt Nam DCCH thống nhất, nhưng ngày tháng tiến hành cuộc tuyển cử này đã chưa được nêu trong nội dung Tạm ước. Pháp đồng ý huấn luyện và trang bị cho quân đội trẻ tuổi của Việt Nam. Vào tháng Tư, Võ Nguyên Giáp và tướng Pháp Raoul Salan, đại điện cho cơ quan tham mưu đôi bên ký Hiệp định quy định nơi đóng quân và về số quân của lực lượng mỗi bên đóng tại đó. Sau khi Hiệp định được ký, Hồ Chí Minh nói với Sainteny: “Tôi không thấy hạnh phúc về nó (Tạm ước), về cơ bản là các ông được lợi. Ông biết rằng tôi muốn nhiều hơn thế. Nhưng tôi hiểu rằng người ta không thể đạt được mọi thứ trong một ngày”…
Hòa hoãn có nguyên tắc
Hai mươi năm sau, trên nền một cuộc chiến bế tắc và đứng trước một triển vọng đàm phán với VNDCCH về lối thoát khỏi “đường hầm”, các chiến lược gia Mỹ đã nhìn lại Hiệp định 6-3 trong một tài liệu đánh giá quan hệ giữa Hoa Kỳ và VNDCCH từ 1945 – 1977[1]. Sử dụng các tư liệu là các điện mật của phái bộ Mỹ gửi từ Hà Nội năm 1946, tài liệu này viết:
28 tháng 2/1946, người Pháp đạt được một Hiệp ước với Trung Quốc (với chính phủ Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh, không phải với những lãnh chúa Trung quốc đang đóng ở miền Bắc Việt Nam – ý nói Lư Hán) để (Quốc dân đảng) giao quyền chiếm đóng cho Pháp vào tháng 4. Hồ Chí Minh đương đầu với nước Pháp dùng sức mạnh quân sự, thực tiễn quân Trung Hoa đang rút ra, và chưa giành được sự cứu trợ của Liên Hiệp quốc hay Mỹ, đã không nhờ cậy được vào kế sách nào khác ngoài thương lượng với Pháp.
Một Tạm ước được ký vào 6/3/1946, giáng một đòn mạnh lên thanh danh của Hồ Chí Minh. Việt Nam Quốc dân đảng chống lại thỏa ước này, thậm chí chống lại đàm phán với Pháp, nhưng Hồ Chí Minh đã đủ thận trọng mang những người đại diện của phe chống đối tới các cuộc đàm phán với Sainteny, người phát ngôn của Pháp, và kết quả là Hiệp định 6/3 không chỉ được ký bởi Hồ Chí Minh và Sainteny, mà còn bởi cả Vũ Hồng Khanh, lãnh đạo VNQDĐ. Tuy nhiên, những ác cảm với Pháp vẫn dấy lên mạnh mẽ, khiến Hồ Chí Minh phải dùng hết uy tín của mình ngăn chặn những chống đối nhằm vào (chính quyền) Việt Minh…
Khi quân Pháp quay lại, bất chấp chính phủ liên hiệp của Hồ Chí Minh và chữ ký của Vũ Hồng Khanh trên văn bản Hiệp định 6/3, một số lãnh đạo VNQDĐ đã tuyên bố không ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh để thể hiện sự chống đối lại cái mà họ gọi là “đường lối thân Pháp” của Việt Minh. Cựu hoàng Bảo Đại rời Việt Nam ngày 18/3, ngay trước khi Pháp vào Hà Nội. Hồ Chí Minh lập tức đã đưa Việt Minh hòa vào một Mặt trận rộng lớn hơn, chủ trương đoàn kết một số đảng phái của Việt Nam, nhờ đó mà giảm sức ép chính trị.
Ngày 27/5/1946, sự kiện thành lập Liên Hiệp quốc dân Việt Nam, hay Mặt trận Liên Việt, được công bố, nhằm tranh đấu “đem lại độc lập và dân chủ” cho Việt Nam. Các lãnh tụ nổi tiếng của các đảng phái chính trị đứng ra làm những người sáng lập, và họ cùng tuyên thệ “Giữ vững quyền tự chủ để đi đến hoàn toàn độc lập”[2]. Mặt trận Việt Minh, VNQDĐ, Đồng Minh Hội (Việt Cách), Xã hội Đảng và Dân chủ Đảng đều đứng trong Mặt trận Liên Việt, đồng thời vẫn giữ cơ cấu tổ chức riêng rẽ.
Thỏa thuận giữa các đảng phái trong khối Liên Việt, tuy thế, chỉ tồn tại khi quân Trung quốc (Tưởng) còn đóng ở miền Bắc Việt Nam (vì nhiều lãnh tụ Việt Cách và Việt Nam quốc dân Đảng rút chạy theo quân Tưởng – ND chú). Bất chấp định ước bởi Trùng Khánh là (quân Tưởng) sẽ rút vào tháng 4/1946, bọn quân phiệt (Trung quốc) lần lữa để cướp bóc (the warlords lingered at their looting) đến tận tháng 6/1946. Ngày 10/6/1946, các đơn vị Trung Hoa dân quốc rút khỏi Hà Nội, và 15/6, đơn vị cuối cùng (của họ) rút khỏi Hải Phòng. Ngày 19/6/1946, tờ Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Liên Việt in một lời cáo buộc quyết liệt đối với “những kẻ phản động phá hoại Hiệp định tháng 3 (1946), chỉ đích danh Việt Nam quốc dân Đảng. Tái xác nhận chính sách hợp tác với Pháp, chính phủ Việt Nam mời người Pháp tham gia một chiến dịch “chống những kẻ thù của hòa bình”…
Một hòa ước ‘Brest- Litovsk’
Một “kinh điển” về thời đại Hồ Chí Minh ở phương Tây là cuốn Lịch sử Việt Nam từ 1940 – 1952 (Histoire du Vietnam, 1940 à 1952) của Philippe Devillers (NXB AMS Press, 1975). Devillers, một nhà Việt Nam học kỳ cựu người Pháp, đã trích các báo Việt Nam thời kỳ đó như (trích từ nhật báo Quyết chiến của thành phố Huế), để phản ảnh phản ứng trong xã hội công dân Việt Nam lúc đó về Hiệp định này.
Hiệp định 6/3 là một “hòa ước Brest- Litovsk”, Võ Nguyên Giáp giải thích trong một bài nói giàu xúc cảm trước cử tọa 100 ngàn người ở Hà Nội, hôm 7/3. Ông cho hay thỏa ước ngừng bắn này với Đức đã dừng được cuộc xâm lấn vào Nga, nhờ đó mà những người xô viết đã củng cố lực lượng quân đội và chính quyền chính trị của mình. “Chúng ta đã thương thảo cốt sao bảo vệ và củng cố được vị thế về chính trị, quân sự và kinh tế của mình”, lãnh tụ quân sự Việt Minh này chia sẻ. Hơn nữa, ông Giáp đánh giá, đàm phán là giải pháp được lựa chọn do Việt Minh chưa sẵn sàng (về lực lượng) cho một cuộc kháng chiến lâu dài. Ông nói: “Ở một số nơi phong trào cách mạng chưa bám rễ được sâu, còn những người chưa nhận thức được (vai trò của) nó thực sự nghiêm túc, và nếu chúng ta phải chiến đấu dài ngày, có thể xảy ra sự suy sụp (sức chiến đầu) trong một số khu vực hoặc tinh thần chiến đấu bị tổn thương. (Khi đó) nếu tiếp tục đấu tranh vũ trang, chúng ta sẽ tổn thất lực lượng của mình và từ đó, mất chỗ đứng chân, sẽ chỉ còn giữ được một số vùng…”
Nói về việc có một số ý kiến phê phán bản Hiệp định sơ bộ không chứa đựng từ “độc lập” vô cùng quan trọng, ông Giáp nhận định: “Họ không nhận thấy rằng độc lập của một quốc gia là kết quả của các điều kiện khách quan, và là trong cuộc đấu tranh để giành độc lập toàn vẹn, sẽ có những thời điểm chúng ta phải cứng rắn, và những thời điểm chúng ta phải mềm dẻo”.
Nhưng Hồ Chí Minh mới là người tạo nên ấn tượng mạnh nhất tại cuộc mít tinh trong việc giải thích Hiệp định Việt – Pháp này. Ông đã chỉ ra rằng dù Việt Nam giành được độc lập từ tháng 8/1945, nhưng chưa có nước nào xác lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiệp định 6/3, Hồ Chí Minh luận giải, sẽ mở đường cho sự công nhận quốc tế, đồng thời hạn chế lực lượng của Pháp ở Việt Nam ở mức 15 ngàn quân, với thời hạn (đóng quân của Pháp) là 5 năm. Tuy nhiên, vì Hồ Chí Minh đã đặt uy tín cá nhân  vào bước đi này (hòa hoãn với Pháp), nên vị lãnh tụ của Việt Nam đã kết các luận chứng trên của mình bằng câu sau: ‘Tôi, Hồ Chí Minh, đã cùng với đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước’.
Nếu Hiệp định 6 – 3 đối với Việt Minh là một Hiệp định Brest – Litovsk, nó được Cao ủy Pháp, Đô đốc d’Argenlieu và những kẻ theo chủ trương của de Gaulle (chiếm lại Đông Dương) trong số những người Pháp ở Đông Dương xem là một thứ Hiệp ước Munich[3]. Dù một cách chính thức, viên đô đốc Pháp này chấp thuận và đề cao Hiệp định 6 – 3, trong nội bộ (người Pháp) ông ta tỏ một thái độ hoàn toàn khác. Ngày 8 – 3, gần 1 tuần sau khi ông ta trở về sau khi đi Pháp nhận chỉ thị, d’Argenlieu bảo tướng Valluy, người được Leclerc cử đến để thông tin với viên Đô đốc này về việc quân Pháp đổ bộ xuống Hải Phòng (theo Hiệp định 8-3), “Tôi rất kinh ngạc, khi thấy nước Pháp có một đạo quân viễn chinh tuyệt vời tại Đông Dương, vậy mà các tư lệnh Pháp của đạo quân này lại muốn đàm phán hơn là chiến đấu”…
Gây cuộc chiến thế kỷ
Giáo sư Spencer Tucker viết tiếp trong sách Việt Nam: Lịch sử chiến tranh, về tiến trình “hậu Hiệp định 6-3”:
Thỏa thuận Hồ Chí Minh – Sainteny, dù có ít ý nghĩa hơn những gì mà Việt Minh mong muốn, chính là một hiệp định khung (framework) mà từ đó có thể mở đường đi tới một quan hệ sống động và tích cực giữa Pháp và VNDCCH, nếu nó được tạo điều kiện để trụ lại… Để thương thảo nhằm thực hiện tạm ước 6/3, Hồ Chí Minh dẫn một đoàn đại biểu sang Pháp. Nhưng khi đoàn tới nơi, chính phủ Pháp vừa đổ, và phải mất hàng tuần cho một chính phủ mới ra đời. Cùng kỳ, hôm 1/6, sau khi Hồ Chí Minh lên đường sang Paris, cao ủy Pháp d’Argenlieu đã phá tan những gì Sainteny vừa đạt được. Ông ta ra tuyên bố tại Sài Gòn về một “Cộng hòa Nam Kỳ”… Với một thứ “cộng hòa độc lập như vậy”, đã không còn cần đến một cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở Nam Bộ. Hồ Chí Minh tức giận nói với Salan, người tháp tùng ông sang Pháp, “Các người vừa ngụy tạo ra một ‘Alsace – Lorraine’ nữa[4] và chúng ta đã bị đẩy vào ‘Cuộc chiến tranh trăm năm” (The Hundred Years’ War)[5].
Đoàn đại biểu VNDCCH bị giáng một đòn nữa khi các đảng viên xã hội Pháp bị mất ghế trong cuộc bầu cử tháng 6; còn những người cộng sản trong chính phủ lại tỏ lòng ái quốc (ý nói muốn duy trì Khối liên hiệp Pháp với Đông Dương là thuộc địa). Kết quả là tại Hội nghị Fontainebleau từ tháng 7 đến tháng 9, Paris đã không đưa ra nhượng bộ nào đối với những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc. Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn đàm phán, về sau là thủ tướng Việt Nam, nhớ lại rằng Max André, Trưởng đoàn Pháp, từng bảo ông, “Chúng tôi chỉ cần một chiến dịch tảo thanh thông thường trong dăm bẩy ngày đủ quét sạch hết các vị”. Toàn bộ công tác của hội nghị gói lại vẻn vẹn một sơ thảo hiệp định nhằm hướng tăng cường quyền lợi kinh tế của Pháp ở phần phía Bắc của đất nước, mà không đả động đến giải pháp cho Nam Kỳ. Hồ Chí Minh lệnh cho phái đoàn Việt Nam về nước.
Dù còn những ý kiến khác về điểm này, Hồ Chí Minh hẳn đã là người theo chủ nghĩa dân tộc trước khi trở thành người cộng sản. Nhà văn David Halberstam mô tả Hồ Chí Minh là “có một chút Gandhi, một chút Lenin, nhưng trăm phần trăm Việt Nam”. Một khi Việt Nam đã có lịch sử lâu đời kháng cự (sự bành trướng của) Trung quốc, Hồ Chí Minh lúc đó đã có thể trở thành một Tito của châu Á. Tuy nhiên tháng 9/1946 ấy, Hồ Chí Minh rời Paris tay không, và ngập trong dự cảm về sự bùng nổ sớm của cuộc chiến[6]…
————–
[1]https://assets.documentcloud.org/documents/205503/pentagon-papers-part-i.pdf
[2] Trích từ Cương lĩnh Liên Hiệp quốc dân Việt Nam.
[3] Hiệp ước mà Anh và Pháp thỏa hiệp với nước Đức phát xít, để mặc cho Hitler đưa quân sáp nhập Tiệp Khắc vào Đức.
[4] Alsace – Lorraine, vùng đất Pháp, nhưng từng bị giành giật với Đức từ thời Chiến tranh Pháp – Phổ 1870 – 1871, và trong cả hai cuộc Chiến tranh thế giới.
[5] Những cuộc xung đột vũ trang giữa Anh và Pháp kéo dài hơn thế kỷ, từ 1337 tới 1453.
[6]https://books.google.com/books?isbn=0813128587 Sách Việt Nam: Lịch sử chiến tranh (tr. 45 – 46)

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Tư liệu: Con đường đối thoại của TGM Nguyễn Kim Điền

28- Con đường đối thoại của TGM Nguyễn Kim Điền
Đỗ Mạnh Tri, 29-04-2005

(trích: 1975-2005 Con đường đối thoại của các Giám mục Việt Nam)

http://ttntt.free.fr/archive/MonseigeurNKDIEN4.html

 

TÓM LƯỢC


    Từ khi đảng CSVN thống lãnh đất nước, có không một đường hướng của hàng Giáo phẩm Công giáo đối với Chinh quyền toàn trị ? Trả lời “không” hay “có” đều dễ bị phản bác. Điều nhiều người có thể đồng ý đó là các giám mục miền Nam, rồi cả các giám mục miền Bắc chủ trương nhìn nhận thực tế chính trị, sẵn sàng hợp tác và đối thoại với chính quyền nhằm phục vụ công ích.
    Nhưng trước thái độ cởi mở của Giáo phẩm Công giáo, Chính quyền từ khước đối thoại, dùng Công an, Mặt trân Tổ quốc và nhóm Công giáo yêu nước để áp đặt chính sách đàn áp tôn giáo rất khắc nghiệt đã thực hiện tại miền Bắc.
    Trước sự kiện này, có những vị giám mục kiên vững đối thoại một cách nghiêm túc, có những vị giữ yên lặng (một sự yên lặng không nhất thiết thụ động), có những vị mềm dẻo tới mức khó phân biệt giữa khoan nhượng và nhượng bộ. Vì không thể và cũng không có khả năng đi vào chi tiết, trong bài này chúng tôi chủ yếu đề cập đến những vị đứng đầu 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn và HĐGMVN. 
    Nói chung, tuy có những khác biệt cá nhân, nhưng trong chiều sâu có một sự đồng thuận nào đó -một cách đối phó ôn hoà nhưng bền bỉ- phản ánh nếp sống đức tin có khi mộc mạc nhưng sâu sắc, âm thầm nhưng thiết thực của cộng đoàn công giáo.
    Sự đồng thuận ấy biểu lộ mãnh liệt qua vụ Phong Thánh 117 Chân Phúc Tử đạo Việt Nam, năm 1988, điểm cao của sự căng thẳng (để khỏi nói là mâu thuẫn) giữa Chính quyền và Giáo hội Công giáo.
    Sau vụ này, Chính quyền đổi thái độ vì nhận ra rằng cơ cấu tổ chức chặt chẽ của Giáo hội Công giáo không chỉ là một cơ cấu xã hội. Nó còn là và trước hết là dạng thái xã hội của một niềm tin. Cơ cấu xã hội có thể lũng đoạn, phá huỷ. Lòng tin không dễ gì lay chuyển. Chính quyền đã nhận ra điều đó và chấp nhận liên hệ trực tiếp với các giám mục.
    Từ năm 1989 tới nay, song song với những cuộc đàm phán giữa Vatican và Hà Nội, có cuộc đối thoại khó khăn giữa Nhà nước độc tài và hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam. Cuộc đối thoại ấy diễn ra khá thất thường, ‘en dents de scie’, lúc lên lúc xuống. Dĩ nhiên, chính quyền giữ vai trò chủ động, lúc đóng lúc mở, tuỳ hứng, tuỳ nơi, tuỳ đối tượng.
    Chủ thể đối thoại, về phía Giáo phẩm Công giáo, là HĐGMVN. Nhưng cũng là cá nhân từng giám mục, nhất khi một giám mục có một vị trí cao trong hàng giáo phẩm thì tiếng nói của một cá nhân có trọng lượng lớn không kém tập thể HĐGM.
    Khi HĐGMVN lên tiếng, trong các Thư chung chẳng hạn, thì tương đối có sự thống nhất, nhưng sự hiệp nhất này không che giấu nổi những khuynh hướng khác nhau, thậm chí khác biệt giữa các giám mục. Âu cũng là nét tự do cố hữu của người công giáo (rất tuân phục Hội Thánh nhưng rất tự do con cái Chúa) ? Cũng có thể là do chính quyền khéo thao túng bằng những biện pháp tinh vi, xảo trá. Kết quả, ba mươi năm sau, mặc dầu những giằng co và căng thẳng tồn đọng, tiếng nói của hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam có trọng lượng hơn và được chính quyền nể vì hơn..

***
    Sau hiệp định Genève, một triệu người miền Bắc tản cư vào Nam. Phần lớn là công giáo. Trong số người công giáo, tỷ lệ giám mục, linh mục, tu sĩ lớn hơn giáo dân nhiều[1]. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mấy triệu người bỏ nước ra đi. Trong số này, công giáo chiếm một tỷ lệ nhỏ (15% ?). Đặc biệt không có một giám mục nào ra đi, kể cả Đc Phạm Ngọc Chi, nguyên là Giám mục coi sóc Giáo phận Bùi Chu. Hơn nữa, HĐGM/VN miền Nam chủ trương rõ ràng không tị nạn. Đây là sự kiện then chốt, tượng trưng cho một thái độ : đảm nhận thực tại ; và biểu hiện một tinh thần : tinh thần đối thoại. Ba mươi năm qua, thái độ ấy, tinh thần ấy đã biến chuyển ra sao, đã gặp những trở ngại nào và thu lượm được những thành quả gì cho Giáo hội, cho Đất nước ?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi đề nghị phân tách một số sự kiện và văn bản mà những người quan sát đều có thể biết đến. Xin bỏ ngoài những lời đồn thổi về những hành động, những liên hệ bí mật ; vì tính cách thất thiệt của chúng và vì, theo thiển ý, dù có thiệt đi nữa, cũng không mang tính quyết định.

    1. NHỮNG PHẢN ỨNG BAN ĐẦU


    Sau khi Miền Nam tan rã như chim vỡ tổ, không có ngay một phản ứng chung của HĐGM miền Nam. Tình thế lộn xộn, nhớn nhác lúc đó không cho phép. Tuy nhiên phản ứng mau lẹ của hai vị đứng đầu hai Giáo tỉnh miền Nam, Tổng Giám mục Huế, Đc Nguyễn Kim Điền và Tgm Sài gòn, Đc Nguyễn Văn Bình đủ đại diện cho toàn thể hàng Giáo phẩm công giáo miền Nam.

    1.1. Đc Nguyễn Kim Điền, Tgm Huế.

    Ngày 30 tháng tư quân đội miền Bắc mới vào Dinh Độc lập, nhưng sáng ngày 26 tháng 3, cờ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã treo trên Thành phố Huế rồi. Ai cũng biết, thực chất là quân đội miền Bắc, nhưng Hà Nội vẫn còn dùng con bài Mặt trận Giải phóng để tránh tiếng xâm lược miền Nam. Đức cha Điền lúc đó đang ở Sài gòn, hối hả ngược dòng người tị nạn chạy về Huế.

    Lời phát biểu ngày 09-04-1975

    Trong lễ ra mắt của Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Huế ngày mồng 9 tháng 4, Đc Điền đã nói lên cảm tưởng của mình. Xin lấy lại toàn văn (chúng tôi ấn mạnh một số từ) :
    “Ở đời này, không có gì quý hơn mạng sống con người, không có gì quý hơn độc lập tự do. Bao nhiêu mạng sống con người được bảo tồn, nếu chiến tranh chấm dứt sớm đi một ngày. Chiến tranh đã chấm dứt trên một phần lớn của quê hương chúng ta. Độc lập hôm nay là một sự thực cho cố đô Huế.
    “Còn tự do thì Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng bảo đảm cho toàn thể đồng bào, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng cho đồng bào các tôn giáo.
    “Mạng sống của con người, độc lập của đất nước, tự do của nhân quyền được bảo đảm, như vậy niềm vui mừng của chúng tôi, của những người công dân công giáo Việt Nam yêu nước, được trọn hảo.
    “Như vậy, đồng bào công giáo nguyện tích cực góp phần với tất cả đồng bào ruột thịt để cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng xây dựng một xã hội đầy tình thương, tự do, dân chủ, thịnh vượng, hoà bình, trong đó chúng tôi được chu toàn bổn phận đối với Tổ quốc và đối với Thiên Chúa ”.
    Lời phát biểu ngắn, rất ngắn. Nhưng nghiêm túc và đầy đủ. Chiến tranh chấm dứt. Tổng giám mục Huế không nói chuyện thắng bại, chỉ mừng cho những mạng sống con người được bảo tồn. Vần đề còn lại là tự do, dân chủ, nhân quyền ; chính quyền mới bảo đảm. Thể theo sự bảo đảm ấy, người công giáo vui mừng, nguyện tích cực hợp tác để chu toàn bổn phận đối với Thiên chúa và Tổ quốc : xây dựng một xã hội tình thương, tự do, dân chủ.

    Thư ngày 01-04-75


    Trước đó, ngày 01 tháng 04, Đc Điền đã lên tiếng trong một bức thư gửi linh mục, tu sĩ và giáo dân của Tổng Giáo phận.
    Lá thư nhìn nhận “Chiến tranh đã chấm dứt trên giáo phận Huế. Đó là điều chúng ta mong ước và cầu nguyện từ 30 năm nay”. Đã qua rồi, thời gian của hãi hùng, lo âu, thù hận, chém giết. Mời gọi linh mục, tu sĩ, giáo dân “hoan hỷ sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Cách mạng để xây dựng lại quê hương sau bao đổ vỡ tang tóc, hầu đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt”. Kêu gọi hãy khoan dung, tha thứ mọi lỗi lầm, đừng nghi ngờ, thù hận ai và gây sợ hãi cho ai. Nhưng trái lại, phải hiểu tốt, thông cảm và nhìn nhận thiện chí của người khác”, “đoàn kết, yêu thương và phục vụ người khác, giúp đỡ và chia sẻ cơm áo với đồng bào, không phải chỉ chia sớt những gì mình dư thừa, mà còn trao nhường những gì mình chỉ có vừa đủ”. Nói một cách khác, “phaỉ cùng nhau xây dựng thế giới huynh đệ đại đồng”. “Nhưng không phải dừng lại đó, mà để nhờ đó chúng ta đạt tới đời sống huynh đệ trường cửu”. Cụ thể : “Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy sống Phúc Âm của Chúa Giêsu cho đến tận cùng”. Cho đến tận cùng, nghĩa là nếu cần, phải sẵn sàng “thí mạng sống mình”. 
    Tóm lại, vui mừng vì chiến tranh chấm dứt ; đón nhận, phục tùng chính quyền mới ; hoan hỉ phục vụ và cộng tác với mọi người thiện chí để xây dựng lại đất nước ; nhưng đồng thời tuyệt đối trung thành với Phúc Âm của Chúa Giêsu. Đức cha Điền không nói gì đến Đảng Cộng sản Việt Nam, vì chính quyền mới, trên danh nghĩa vẫn là Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tuy nhiên, “thế giới huynh đệ đại đồng” ám chỉ một thứ ước mơ, một hứa hẹn trần thế nào đó… một điểm gặp gỡ có thể có giữa những con người thiện chí.

    2. SỰ CHUYỂN HƯỚNG CỦA HÀNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

    3. CHÍNH QUYỀN TỪ KHƯỚC ĐỐI THOẠI

    4. CÁC GIÁM MỤC CHỌN CON ĐƯỜNG ĐỐI THOẠI

    4.4. Đối thoại kiểu Đc Nguyễn Kim Điền


    Trong thư gửi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đề ngày 25-3-1988, Đc Điền viết : “Năm 1967, khi tham dự cuộc họp quốc tề Caritas Internationalis tại Rôma, một nhà báo người Ý hỏi tôi: “Ông nghĩ thế nào về Đảng cộng sản Việt Nam?” Tôi trả lời “Là giám mục công giáo, tôi không thể theo chủ nghĩa cộng sản. Nhưng người cộng sản Việt Nam là anh em của tôi”. Hôm sau, báo đăng lời đó với hàng tít to. Năm 1980, cụ Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ tại Hà Nội nói với tôi: “Ông Tổng giám mục tuyên bố câu đó hồi năm 1967 thì chỉ có hại cho ông thôi, vì lúc đó CIA thống trị tại phía Nam và chính phủ nào ở đó cũng là chính phủ chống cộng”. Tôi không biết anh nhà báo phỏng vấn tôi năm đó hiện nay còn sống hay chết và ở đâu? Anh sẽ nghĩ thế nào nếu anh biết được hoàn cảnh hiện tại của tôi? Còn lập trường của tôi từ năm 1967 đến nay vẫn trước sau như một”.
    Hoàn cảnh hiện tại của Đc Điền lúc đó là từ năm 1984, sau 120 ngày bị thẩm vấn, mặc dầu là Tgm giáo tỉnh miền Trung, ngài không được phép đi thăm viếng các giám mục thuộc giáo tỉnh, không được phép đi họp hội nghị thường niên của HĐGM/VN, không được phép ra khỏi chu vi Tp Huế để thăm các giáo xứ và làm các công tác căn bản của một giám mục. Sự thể ra thế chính vì lập trường của ngài không thay đổi. Chiến tranh đã chấm dứt ! Đc Điền đón nhận hoà bình như một hồng ân. Ngài là vị giám mục Việt Nam đầu tiên kêu gọi mọi người hợp tác với chính quyền mới, một chính quyền có đấy, như bất luận chính quyền nào.  Chính phủ cách mạng lâm thời tuyên bố tự do tôn giáo, Tổng giám mục Huế đề nghị hoà giải dân tộc để xây dựng lại đất nước, và trước mắt, hàn gắn những thương đau mà Huế là tang chứng bi thảm nhất. Tâm thư ngày 1-4-75 gửi linh mục, tu sĩ và giáo dân Tổng giáo phận Huế cũng như lời phát biểu ngày 9-4-75 trong lễ ra mắt của Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Huế cho chúng ta hình ảnh một vị chủ chăn cởi mở, khiêm nhu, nhưng táo bạo, hết lòng phục vụ, dấn thân vì công ích, vì Đạo Chúa, nhưng cũng chính vì thế, luôn luôn bênh vực lẽ phải và tuyệt đối trung thành với sứ vụ của một giám mục công giáo.
    Chính quyền mới đã sớm lột mặt nạ như mọi người đều biết. Và hai năm sau, Tgm Nguyễn Kim Điền đã lợi dụng hai cuộc họp do chính quyền triệu tập để phát lên tiếng nói của lương tâm, tiếng nói tự do. Trong khi mọi người nơm nớp nhất trí, nói theo, dù một chút thắc mắc cũng không dám thổ lộ, Đc Điền đã ung dung, nhẹ nhàng nói thật. Tiếng nói của ngài hoàn toàn bất ngờ, khác nào ngọn lửa bừng lên giữa đêm đen hay nhát búa giáng xuống tảng băng cứng lạnh. Tiếng nói ấy đánh thức lương tri, chấn động lòng người, truyền đi rất nhanh trong dân chúng, vượt bức màn tre của chế độ và thành tít lớn trên báo chí ngoại quốc. Không thể phân tách ở đây cuộc đối thoại nguy hiểm của Tgm Huế với chính quyền độc thoại[2]. Chúng tôi xin chỉ đề cập đến hai bài phát biểu mở đầu cho mười năm gian khổ của một công dân giám mục, vốn kín đáo, gần gũi với những con người lao động, những tầng lớp thấp kém trong xã hội hơn là những kẻ có quyền lực[3], nay bị lịch sử đẩy ra sân khấu của thời cuộc.
    Phát biểu ý kiến ngày 15.4.77 [4].
    Một buổi họp do Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên và Tp Huế tổ chức, nói là để thông báo, kỳ thực là để học tập cải tạo nhân vụ chính quyền bắt giữ 6 nhà sư của Phật giáo Việt Nam Thống nhất hệ phái Ấn Quang tại Tp Hồ Chí Minh. Được mời phát biểu, Đc Điền không đi vào nội dung[5] của sự kiện mà người của UBND Tp HCM vừa trình bày : “Cá nhân tôi, tôi không có ý kiến gì cả. Vấn đề quảng bá tin tức, cắt nghĩa lý do là nhiệm vụ của chính phủ. Tôi chỉ muốn san sẻ với các vị lãnh đạo Phật giáo những kinh nghiệm mà trước đây chúng tôi đã phải chịu trong vụ Vinh Sơn”. Rồi Đc Điền lấy giả thuyế tồi tệ nhất cho phía các tôn giáo : “Chúng tôi chắc chắn là không có ai trong buổi họp có thể chấp nhận hành động được diễn tả trong bản thông cáo của chính phủ”. Nói một cách khác, cứ cho là sự việc đã xảy ra đúng như chính quyền thông cáo (mà có ai đủ ngây thơ để tin chính quyền đây ?), cứ cho là có những kẻ dựa vào tôn giáo để xách động này nọ đi, “Sự kiện mà chính phủ vừa giải thích và trình bày cho chúng ta nghe, chỉ là một sự kiện đơn độc”. Một sự kiện đơn độc ! Như muôn vàn sự kiện tốt xấu xảy ra hàng ngày trong xã hội, có thể chạy tít lớn trên trang 1 của báo chí nhưng chẳng có gì đáng cho chính quyền các cấp phải làm rùm beng ! Và đây, tiếng sấm nổ vào lỗ tai chính quyền : “Nhiều chuyện như vậy đã xảy ra và còn sẽ xảy ra trong tương lai, nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân căn bản của nó. Theo thiển kiến của chúng tôi, nếu thực ra có những cộng đồng tôn giáo gây rối loạn chăng nữa, chỉ vì không có tự do tín ngưỡng. Thẳng thắn mà nói, tôi không thoả mãn với chính phủ về chánh sách tự do tín ngưỡng” Rồi ngài kể ra một loạt những hạn chế, truy bức, vu khống, mạ lỵ… Riêng người công giáo “có cảm tưởng mình là công dân hạng hai”, “trong giới công nhân, công viên chức, bịnh viện hay giáo viên, thường người công giáo được cho là tiên tiến ; nhưng chắc rồi cũng không tiếp tục làm việc được, vì là công giáo. Đi xin việc làm hoặc bị từ chối, hoặc gặp khó khăn trong việc làm, muốn biết căn do thì được rỉ tai cho biết là bỏ đạo hay đừng đi nhà thờ nữa là êm xuôi”.
    Ngày 22.4.1977. Cuộc họp Góp ý kiến vào bản dự thảo “Đề cương báo cáo của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên”. Đc Điền lấy làm vinh dự được mời tham gia đóng góp ý kiến, cám ơn Ban tổ chức và coi đây là một việc làm có tính cách cởi mở, mới mẻ “vì Đảng và Tôn giáo không đi chung với nhau”. (Cử toạ đột xuất vỗ tay !) Với tư cách là người lãnh đạo tôn giáo, Đức cha góp ý về Chính sách tôn giáo của Đảng.
    Về cách tiếp cận vấn đề tôn giáo trong bản Đề cương, đức cha thấy tôn giáo chỉ được nhắc tới 2 lần. Một lần, trong mục “phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân” có nói đến “đoàn kết các tầng lớp nhân dân” trong đó có đồng bào các tôn giáo. Một lần nữa khi nói về “củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh, chính trị và trật tự xã hội” sau khi đã kể ra bao nhiêu tội phạm và các âm mưu phá hoại…”. Có người nhậy cảm thấy nói về chính sách tôn giáo trong mục này thì lo ngại, vậy “để tránh những lo âu và cảm tình không mấy tốt của đồng bào có tôn giáo đối với Đảng”, Đức cha “đề nghị đem chỗ nói về chính sách tôn giáo lên mục B, nơi nói về “phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. Tuy nhẹ nhàng, nhưng nhận xét trên vạch trần ý đồ của Đảng : khi Đảng nói chính sách tôn giáo, phải hiểu chính sách đàn áp tôn giáo. Nếu không, tại sao đặt tôn giáo vào mục an ninh chính trị, xã hội và xếp hoạt động tôn giáo bên cạnh những âm mưu phá hoại và mọi thứ tội phạm ? Thay vì vòng vo tam quốc, Đc Điền đặt thẳng vấn đề thiếu tự do tôn giáo với chính quyền.
Nhưng để tránh những góp ý trừu tượng, vì “ông Tống Hoàng Nguyên, khi khởi đầu buổi họp sáng nay có dặn nên góp ý vào việc lao động sản xuất và kinh tế cách trực tiếp hơn”. Diễn nôm : mọi chính sách đã có Đảng lo, góp ý này nọ là để nhất trí và học tập chính sách, thực hiện chính sách. Đc Điền hẳn cũng hiểu thế, nhưng ngài cứ coi như ông chủ toạ cuộc Hội thảo nói thật và ngài thật thà góp ý vào việc lao động sản xuất. Một cách thực sự cụ thể : “Theo tôi nghĩ, nếu có tự do tín ngưỡng thì năng xuất của đồng bào công giáo sẽ lên cao lắm”. Đức cha đơn cử một việc mới xảy ra trước đó mười ngày. Ngày Chúa nhật 10-4-1977 là ngày lễ Phục sinh của Công giáo, một ngày lễ lớn, được chuẩn bị bằng cả một tuần trước. “Xã Hải Trí phải làm thuỷ lợi trong thị xã Quảng Tri. Huyện cho làm trong 10 ngày nhưng xã rút xuống còn năm ngày để thi đua. Mỗi thôn được chia phần của mình và sẽ phát động lao tác vào sáng Chúa nhật. Ngày thứ bảy, thôn Trí Bửu (hầu hết là công giáo) đã đệ đơn xin xét lai cho đồng bào công giáo có giờ đi cử hành nghi lễ đạo, rồi sau đó sẽ đi làm, nếu không kịp thì xin làm đêm nữa. Nhưng xã không cho (…). Có người nói với xã xin xét lại, vì nếu đồng bào họ không tuân lệnh, thì tổn thương phần nào uy tín của chính quyền địa phương. Như hôm lễ Giáng Sinh 76, thôn Trí Bửu cũng đã không đi làm vì họ phải đi lễ. Nhưng xã cương quyết không xét lại… Thì rồi, thôn Trí Bửu lấy quyền nhân dân làm chủ nên không đi làm thuỷ lợi hôm đó, mà đi lễ hết. Ngày hôm sau họ huy động cả thôn ra lảm thuỷ lợi thì thay vì năm ngày, họ làm trong hai ngày rưỡi là xong. Nghe nói xã định tuyên dương họ, nhung họ không nhận vì họ không tuân lệnh đi làm trong ngày lễ Chúa Phục Sinh hôm đó”.
    Những trường hợp cụ thể như trên cho phép khẳng định một cách khái quát : “Chỉ có tự do tín ngưỡng thực sự thì những người có tín ngưỡng mới sống thoải mái, hạnh phúc trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà thôi” ! Thực sự thì Đảng va Nhà nước chủ trương tự do tín ngưỡng bằng văn bản, sắc lệnh. Đã có tới 5 sắc lệnh và thông tư. “Nhưng trong thực tế vẫn có những khẩu lệnh đi ngược lại với chính sách”.
    Vậy phải có tự do tôn giáo thực sự. Phải từ bỏ ý đồ tiêu diệt tôn giáo. Người cộng sản cũng biết tôn giáo “là một nhu cầu xã hội và tâm lý, bao lâu nhân dân còn cần đến, thì cứ để“. Đc Điền đồng ý : “chừng nào đồng bào không thèm đến tôn giáo nữa thì thôi, tự nhiên sẽ hết tôn giáo” Nhưng cấm thí chắc chắn không thể cấm được, vì 1) thực tế lịch sử đông tây kim cổ, nhất là gần đây bên các nước thuộc khối Liên xô đủ chứng minh điều đó. và 2) “vì tôn giáo nằm ở địa hạt khác, địa hạt tinh thần và tâm linh nên khoa học và kỹ thuất không đánh trúng được”. Đã không diệt được thì chỉ còn cách tôn trọng tư do tín ngưỡng để đồng bào cùng nhau xây dựng đất nước về mặt vật chất, còn tín ngưỡng thì ai chọn tôn giáo nào tuỳ sở thích. “Như vậy mới thoải mái, mới đoàn kết được”.
    Qua hai bài phát biểu trong vòng 10 ngày, Tgm Huế thẳng thắn trực diện với chính quyền toàn trị. Thiết tưởng, để tránh ngộ nhận, nên nói cho rõ : Đc Điền không khi nào chống lại chính quyền. Ngài chỉ bênh vực tự do tín ngưỡng thực sự thôi. Và khi đòi tự do tín ngưỡng, Đc Điền đương nhiên đòi tự do và bảo vệ những quyền con người, trong đó tự do tín ngưỡng là một quyền căn bản. Khi nói với chính quyền như thế, Đc Điền cũng nói thay cho mọi người và nói với mọi người, đặc biệt với những người đồng đạo và trong số này, hàng Giáo phẩm Công giáo. Đối thoại với chính quyền một cách thẳng thắn và nghiêm túc như thế cũng là đề nghị với các giám mục Việt Nam khác một đường lối thích ứng trong hoàn cảnh mới. Nhưng đường lối này không được sự đồng tình của tất cả mọi giám mục. Ta sẽ nhắc tới đường lối của Tgm Sài Gòn. Nhưng trước đó, xin nói về phản ứng của chính quyền sau hai bài phát biểu của Tgm Huế.
    Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tp Hồ Chí Minh can thiệp.
    Chính quyền đã đánh giá đúng mức những lời phát biểu của Tgm Huế. Bằng chứng là ông Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch UB MTTQ Tp HCM, gửi cho Đc Bình một bản "NHẬN ĐỊNH VỀ HAI BẢN VĂN ghi lại lời phat biểu của Tgm Nguyễn Kim Điền". Mở đầu như sau :
    "Gần đây Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp HCM được biết có luân lưu, phổ biến trong một số linh mục, tu sĩ và tín đồ Thiên Chúa giáo ở Tp HCM hai bản văn dưới có ghi lời phát biểu của ông Tgm Nguyễn Kim Điền, địa phận Huế. Hai bản văn này không những chỉ luân lưu, phổ biến trong giới Thiên chúa giáo mà còn phổ biến tới cả một giới Phật giáo và tới một số nơi khác nữa". Ông Nguyễn Văn Chì thông báo cho mọi người biết rằng hai bản văn của Đc Điền đã được phổ biến rộng rãi. Nhưng vì hình như còn nể một ông Tổng giám mục dù sao cũng được chính quyền coi là cởi mở, ông viết tiếp : "Chúng tôi chưa rõ hai bản văn này có phải đúng là của ông Tổng giám mục địa phận Huế ghi hay không ? Sự ghi chú đó có phản ảnh trung thành lời phát biểu của ông Tổng giám mục địa phận Huế hay không ? Và chúng tôi cũng chưa biết rõ việc phổ biến hai bản văn đó là có ý kiến của ông Nguyễn Kim Điền hay không ? Ai là người chịu trách nhiệm phổ biến ?". Một loạt câu hỏi vừa để chạy tội cho Đc Điền (nếu biết sám hối !), vừa đe doạ ‘người chịu trách nhiệm phổ biến’. Vì, theo ông Chủ tịch UB MTTQ Tp HCM, những ý kiến trao đổi trong hội nghị, dù đúng đắn cũng không nên đơn phương phổ biến, huống chi những ‘ý kiến sai lầm’ mà phổ biến ra ngoài ‘sẽ gây tác hại có khi rất to lớn’.
    Đe doạ xong, ông phân tách và phản bác hai luận điểm chính của Đc Điền : 1) Không có tự do tôn giáo thực sự và 2) vì thế mà có những vụ như Vinh Sơn hay Phật giáo Ấn Quang.
    Về điểm 1) ông Nguyễn Văn Chì khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng trước sau như một của Đảng. Không có mâu thuẫn giữa văn bản và thực hành. Tuy nhiên ông công nhận còn có những thiếu sót cần khắc phục. Những thiếu sót này một phần đến từ phía “một số cán bộ cách mạng do trình độ còn non kém hoặc do chưa hết thành kiến mà làm sai đường lối chính sách”, nhưng cũng đến từ “hố sâu ngăn cách, chia rẽ, thành kiến lương giáo do bọn đế quốc và tay sai tạo ra hơn 100 năm nay”. Hơn nữa, hiện nay, bọn đế quốc “vẫn tiếp tục lợi dụng khai thác những thành kiến vốn dĩ do chúng tạo ra đó để kích động  những hành động chống phá cách mạng trong các tôn giáo ; đặc biệt trong Thiên Chúa giáo”. Cho nên, đồng bào công giáo hiện nay cần phải có sự cố gắng và nỗ lực vượt bực, vượt lên mọi trở ngại để phối hợp hành động cùng với chính quyền cách mạng và tất cả những người có thiện chí, kiên quyết đấu tranh cưỡng lại bọn phản động trong thiên Chúa giáo (…) Có thể nói đó là cuộc đấu tranh khẩn trương, gay go quyết liệt, bền bỉ trong lòng dân tộc, trong nội bộ Thiên Chúa giáo và ngay trong từng con người của mình, giữa chánh nghĩa và phi nghĩa”. Dĩ nhiên, chánh nghĩa trong lòng dân tộc là chánh nghĩa của chế độ. Vì vậy ông Nguyễn Văn Chì cũng chẳng ngần ngại nhìn nhận có công dân hạng hai : “Có thể nói thẳng, không cần gì phải giấu giếm là quả có sự phân biệt đối xử và cần có sự phân biệt đối xử với một số người không chịu cải tà quy chính”. Mà cải tà quy chính trong ngôn ngữ của chế độ phải hiểu là trở về với dân tộc ; và trở về với dân tộc phải hiểu là trở về với Cách mạng, với Đảng.
    Về điểm 2) ông Chì còn gay gắt hơn nhiều. Ông rất “tin tưởng đồng bào có đạo, cũng như các hàng giáo phẩm chân chính”. Nói cách khác, ông chỉ tin tưởng đồng bào có đạo và các hàng giáo phẩm trong chừng mực họ chân chính theo những tiêu chuẩn của chế độ. Đối với ông, càng theo Đảng, càng chân chính ; tôn giáo chân chính khi tôn giáo phuc tùng Đảng ; giáo phẩm chân chính khi giáo phẩm quỵ luỵ, luồn cúi Đảng. Đc Điền nói : “Theo thiển ý của tôi, nếu còn tựa vào tôn giáo để xách động này khác là vì chưa có tự do tín ngưỡng đó thôi”. Ông Chì không hiểu nổi điều đó, vì đối với ông, Đảng trước sau như một bảo vệ tự do tín ngưỡng cho những ai theo gót Đảng. Ông cho rằng luận điểm của Đc Điền chỉ “lập lại luận điệu của bọn đế quốc Pháp và Mỹ” : nhân danh tự do tín ngưỡng “để cho phép mình làm hoặc bênh vực cho những hành động bỉ ổi xấu xa nhất, phi đạo nhất (…) Những người làm như thế, bênh vực như thế không những làm mất phẩm giá của mình, mà còn làm mất phẩm giá của đồng đạo, của đạo lý mà chính tác giả hai bản văn đang tín ngưỡng. Làm như thế, là nhân danh tự do tín ngưỡng để khuyến khích mọi hành động phản cách mạng, mọi hành động xấu xa phi đạo đức”. Phản cách mạng là xấu xa, phi đạo đức. Thiện là Cách mạng, Ác là chống lại Cách mạng. Tgm Huế Nguyễn Kim Điền, theo những lời cáo buộc của ông Nguyễn Văn Chì, đã đánh mất phẩm giá của mình. Tệ hơn nữa, đã làm mất phẩm giá của đồng đạo (vẫn cái lối ‘tội’ cá nhân, trách nhiệm tập thể !) và của đạo Công giáo !
    Gần ba mươi năm sau, đọc lại những lời kết án này, thật khó hình dung nổi thái độ u mê, trâng tráo và cường bạo của Đảng cộng sản Việt Nam hồi đó.
    Qua cách lên án Đc Điền, chính quyền cộng sản đe doạ mọi tôn giáo, đặc biệt hàng giáo phẩm công giáo. Dĩ nhiên, Đc Điền không thay đổi thái độ. Giữa Nhà nước CHXHCNVN và Thiên Chúa, đương nhiên Đức cha chọn Thiên Chúa và trước những đòi hỏi phản tự do, phản nhân quyền, phản  đạo lý của Đảng CSVN, Đức cha chỉ có thể trả lời : Non possumus. Chúng tôi không thể. Và sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả. Trong lá thư gửi cho linh mục, tu sĩ và giáo dân ngày 19-10-85, Đức cha viết : “Năm 1971, tại Thượng Hội đồng giám mục Thế giới, tôi có phát biểu : “Đã có những giám mục chịu chết vì bênh vực quyền lợi của Hội Thánh, nhưng ngày nay có giám mục nào dám chịu chết để bênh vưc quyền lợi của con người không ?” Hạnh phúc thay ! Hôm nay chính tôi được Chúa gọi để chịu tù ngục, chịu chết vì bênh vực nhân quyền, công lý và công bình”
    Người ta đã bắt Tgm Huế đi làm viêc, đã chặt chân chặt tay của ngài. Những người công tác gần gũi của ngài bị thẩm vấn, bắt bớ, giam cầm như lm Nguyễn Văn Lý, lm Trần Văn Quý, nữ tu Trương Thị Lý…
    Cuối cùng, Đc Nguyễn Kim Điền đã chết một cách khả nghi tại bênh viện Chợ Rẫy ngày 8.6.1988.

    Đỗ Mạnh Tri.
    Paris 29.04.2005.