Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Tư liệu: Nghị viện châu Âu (European Parliament) là gì?

Nguồn: http://vietbao.vn/The-gioi/Nghi-vien-chau-Au/45152086/162/
--------------
Cơ cấu 
EP là một nghị viện đa quốc gia lớn nhất thế giới có nhiệm kỳ 5 năm, hoạt động theo phương châm "Hợp nhất từ những khác biệt". Không giống với Hội đồng Bộ trưởng - đại diện cho chính phủ các nước thành EU - EP là cơ quan duy nhất có các thành viên được công dân các nước EU trực tiếp bầu lên để đại diện cho họ. Việc này cũng chỉ được thực hiện từ 1979 đến nay còn trước đó là quốc hội các nước thành viên tiến cử các ứng cử viên của mình vào ghế thành viên EP.

 Cơ cấu của EP gồm:
- Chủ tịch chịu trách nhiệm về các mối quan hệ đối ngoại, chủ trì các kỳ họp của nghị viện... 
- Cục: Điều hành các hoạt động của nghị viện và các cơ quan trực thuộc, bao gồm 1 cục trưởng, 14 cục phó và 5 quan chức cố vấn phụ trách công tác điều hành và tài chính liên quan đến các thành viên nghị viện. 
- Các ủy ban: Gồm nhiều ủy ban khác nhau nhưng trách nhiệm chung là chuẩn bị nội dung cần thiết cho các cuộc họp nghị viện. 
- Ban thư ký: Chịu trách nhiệm tổ chức công việc nghị viện, gồm 1 tổng thư ký và 3.500 viên chức mà 1/3 trong số đó làm công tác dịch thuật cho nghị viện. 

Quyền hạn 
Quyền lực của EP chủ yếu là trên các lĩnh vực lập pháp, quản lý ngân sách, giám sát quyền dân chủ... nghị viện có thể tu chính, phê chuẩn hoặc bác bỏ các đạo luật của EU.  EP làm việc theo nguyên tắc "quyền đồng quyết" với Hội đồng Bộ trưởng. Điều này có nghĩa một dự luật được đưa ra chỉ được thông qua khi cả hai bên cùng gật đầu đồng ý. Nguyên tắc "quyền đồng quyết" được áp dụng trong các lĩnh vực như quyền của người lao động, bảo vệ người tiêu dùng, nhập cư, giáo dục, sức khỏe, nghiên cứu, môi trường và phát triển... ngoại trừ chính sách đối ngoại hay nông nghiệp. 

Ngoài ra, EP và Hội đồng Bộ trưởng cũng cùng chia sẻ quyền lực về quản lý ngân sách chung của EU, cùng giám sát các tổ chức khác của EU, trong đó có Ủy ban châu Âu (EC), bầu Chủ tịch Nghị viện, bổ nhiệm Chủ tịch EC, xét duyệt các tân ủy viên châu Âu, chọn chủ tịch các ủy ban của nghị viện và có thể sa thải toàn bộ thành viên EC. Vào tháng 12 hằng năm, EP, sau khi có chữ ký của Chủ tịch, sẽ thông qua ngân sách của EU. EP có vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm chức thống đốc, phó thống đốc và các thành viên trong Hội đồng Điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, những người này phải được sự phê chuẩn của EP trước khi được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm. Hằng năm, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải có trách nhiệm báo cáo các hoạt động tài chính của mình cho EP trong các phiên họp toàn thể. 

Đại bản doanh 
EP có hai trụ sở, một đặt tại Brussels (Bỉ), một ở Strasbourg (Pháp) và bộ phận hành chính ở Luxembourg. Trong một tháng, cứ ba tuần nghị viện làm việc tại Brussels - nơi diễn ra hầu hết các cuộc họp của ủy ban và các nhóm chính trị - tuần còn lại nghị viện làm việc ở Strasbourg. Sự di chuyển liên tục này đã khiến chi phí điều hành của nghị viện tăng cao và các thành viên nghị viện cũng không "khoái" gì mấy vì phải thường xuyên đi lại quá nhiều. Riêng việc EP đặt trụ sở tại Strasbourg còn là một vấn đề về uy tín quốc gia của nước Pháp. Tọa lạc tại khu vực biên giới giữa Đức và Pháp - vốn từng giao tranh 2 lần trong thế kỷ trước - trụ sở Nghị viện châu Âu được coi là một biểu tượng của trật tự châu Âu mới hòa bình. 

Lương bổng 
Một dân biểu EP được trả lương ngang với mức lương của nghị sĩ quốc hội tại nước mà người đó đại diện. Theo cách này, lương tháng của một thành viên EP người Ý gấp 4 lần so với Tây Ban Nha và gấp 14 lần so với thành viên của một số nước mới gia nhập EU... Hiện một dân biểu Ý lãnh gần 11 ngàn euro/tháng, cao nhất trong 25 nước EU, xếp sau là dân biểu Áo (khoảng 7.500 euro/tháng), rồi đến Anh, Đức, Hà Lan... và lãnh lương "bèo" nhất là các nghị sĩ Hungary (khoảng 800 euro/tháng), Slovakia (khoảng 900 euro), Latvia (1.000 euro)... Tuy nhiên, một cách không chính thức, những thành viên có mức lương thấp hơn sẽ nhận thêm một khoản phụ cấp trích từ chi phí điều hành văn phòng - 150 ngàn euro/người/năm - mà không phải giải trình về việc sử dụng khoản tiền ấy như thế nào. Ngoài ra, họ còn được thanh toán toàn bộ tiền vé máy bay đi công tác giữa các nơi. 

Gần đây, đã có đề xuất cải cách hệ thống lương bổng, theo đó tất cả các dân biểu EP đều lãnh một mức lương như nhau là 8.600 euro/tháng. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Đức ngăn cản với lý do mức lương mới quá cao khiến ngân sách "phình to" thêm. 

Uyên Phi Việt Báo (Theo_Thanh Niên ) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét