Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Tư liệu: Bài nói chuyện về giảm tô và cải cách ruộng đất (Hồ Chí Minh, 31/10/1955)

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30008&cn_id=221219
Chú thích: Những chỗ in nghiêng đậm trong bài nói là ý nhấn mạnh của tôi, chủ blog này.
--------
Hôm nay Bác đến nói về mấy vấn đề sau đây:
1. Cải cách nông thôn
Có cán bộ tưởng rằng cải cách ruộng đất xong thì công cuộc cải cách nông thôn cũng xong. Thế là nhầm. Cải cách ruộng đất xong rồi, còn phải phúc tra, còn phải thực hiện tổ đổi công rộng khắp và vững chắc, còn phải tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, rồi khi đã có điều kiện và nông dân yêu cầu thì tiến tới nông trường tập thể. Thế cũng chưa hết, còn phải làm cho nông nghiệp xã hội hoá. Có như vậy, nông nghiệp mới phát triển đầy đủ, nông dân mới thật ấm no và giàu có (ở Liên Xô có những nông hộ trong nông trường tập thể mỗi năm lĩnh được 15 vạn đồng rúp và 5 tấn lương thực). Đó là một việc lâu dài. Liên Xô phải làm 17 năm mới xong. Trung Quốc trù tính phải làm 18 năm. Vì Trung Quốc có kinh nghiệm và sự giúp đỡ của Liên Xô, nhưng nước Trung Quốc rộng lắm.

Nước ta nhỏ hơn, lại có kinh nghiệm và sự giúp đỡ khảng khái vô tư của Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Cho nên nước ta có thể tiến nhanh hơn một chừng nào đó. 


Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ: nông thôn phải kinh qua 2 cuộc cách mạng: cải cách ruộng đất là một cuộc, cuộc thứ hai là từ chỗ thực hiện tổ đổi công, hợp tác xã, nông trường tập thể đến chỗ xã hội hoá nông nghiệp.

Như vậy, cải cách ruộng đất xong chưa phải là mọi việc đều xong!

Đảng và Chính phủ có quyết định khôi phục kinh tế, muốn khôi phục kinh tế thì phải cải cách ruộng đất.

Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế.

Nước ta là nước nông nghiệp, cho nên hiện nay nông nghiệp là quan trọng nhất. Nâng cao nông nghiệp là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn chính quyền, toàn dân.

Ở Trung Quốc, cải cách ruộng đất xong rồi, nay bước sang hợp tác xã nông nghiệp cũng phải tiến hành một cuộc vận động khẩn trương, mạnh mẽ lâu dài.

Chớ lầm tưởng rằng cải cách ruộng đất xong là hoàn toàn thái bình rồi. Coi nhẹ cải cách ruộng đất là không đúng.

2. Lực lượng của địch và của ta
Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp, một cuộc cách mạng. Giai cấp địa chủ muốn chống lại nông dân, chúng có tổ chức phản động của chúng. Đó là dĩ nhiên, không có gì lạ. Lực lượng của chúng gồm có: một là lực lượng bản thân của chúng, hai là những khuyết điểm của cán bộ ta. Những khuyết điểm mà cán bộ phạm phải, là đồng minh đắc lực của địch.

Lực lượng ta thế nào? Ta có Đảng, có Chính phủ, có Mặt trận dân tộc thống nhất, có quân đội. ở địa phương thì có bần cố trung nông, có chi bộ, nông hội, chính quyền, công an, du kích. Lại có quân đội nhân dân giúp đỡ. Ta mới giải phóng, địch thống trị đã lâu đời, cho nên ở một đôi địa phương, khi đội về, địch có thể tạm thời mạnh hơn ta. Nhưng chung quy ta vẫn mạnh hơn địch.

Có cán bộ cho rằng vùng công giáo khó phát động. Phải nhớ rằng đại đa số đồng bào công giáo cũng là nông dân nghèo khổ, cũng bị bóc lột tàn tệ, cũng muốn có cơm ăn, ruộng cày. Nếu ta kiên nhẫn thật sự ba cùng với họ, khéo giác ngộ và tổ chức họ, thì nhất định làm được. Các cô, các chú đã có kinh nghiệm đó.

3. Cán bộ
Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh cách mạng. Phải tin tưởng thắng lợi, thì đấu tranh mới kiên quyết.

Ta có đủ điều kiện thắng lợi: ta có chính sách, phương châm đúng; có lực lượng quần chúng đông đảo; cán bộ ta đã được học tập và đã có kinh nghiệm lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Cán bộ phải thế nào?
- Phải có lập trường vững vàng, tư tưởng phải thông, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải ba cùng thật thà. Cán bộ nào chỉ "một cùng; hai cùng hoặc hai cùng rưỡi" thì sẽ thất bại. Cán bộ nào ba cùng thật sự thì đều thành công.
- Phải đi sâu, xét kỹ; phải luôn luôn kiểm tra công tác; chấp hành chính sách phải coi trọng từ việc to đến việc nhỏ; phải nhớ rằng "sai một ly đi một dặm".
- Có khuyết điểm thì sửa chữa ngay, không nên chán nản và không nên đợi đến khai hội mới phê bình, sửa chữa. Đối với cán bộ tốt cần khen thưởng kịp thời ở đội, ở đoàn, hoặc đề nghị Chính phủ khen thưởng để khuyến khích mọi người, không nên để chậm đến tổng kết mới làm.

Bí quyết thắng lợi là:
- Kiên quyết chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ bất kỳ việc lớn, việc nhỏ;
- Tin tưởng chắc chắn vào chính sách và sự lãnh đạo của Đảng;
- Dựa hẳn vào quần chúng.

Các cô, các chú đi cải cách ruộng đất cũng như bộ đội đi đánh giặc. Phải tin chắc vào lực lượng của mình thì mới đánh thắng giặc.

Trong kháng chiến, Bác thường nói: "Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian khổ, gay go". Nay trong cải cách ruộng đất cũng thế. Ta đã hoàn thành cải cách ruộng đất nhiều nơi. Địch gần đến đường cùng, chúng càng hết sức quậy cựa.

Không nên đánh giá nhẹ sức phản kháng của địch, nhưng cũng không nên thấy chúng chống lại mà hoang mang.

Có thể nói: đợt 5 cải cách ruộng đất giống như chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch đó ta đã gặp nhiều khó khăn nhất trong suốt 8 năm kháng chiến nhưng ta đã thắng. Cũng như bộ đội ta, các cô, các chú phải có quyết tâm khắc phục khó khăn trong đợt tới thì cũng sẽ thắng lợi như Điện Biên Phủ.

4. Phải thật sự quan tâm đến đời sống của nông dân
Trong khi tiến hành cải cách ruộng đất phải chú trọng vận động quần chúng sản xuất; phải thật sự săn sóc đến đời sống của nông dân.

Vừa rồi có bão lớn, nhiều nơi cán bộ đã biết tạm ngừng đấu tranh, tập trung lực lượng giúp dân chống bão, thế là đúng.

Hiện nay Đảng và Chính phủ có quyết định khôi phục kinh tế, mà sản xuất nông nghiệp là chính. Cán bộ đi cải cách ruộng đất phải đảm bảo kế hoạch sản xuất đó trong vùng mình đang hoạt động.
--------------------------------

Nói ngày 31-10-1955.
Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét