Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Tư liệu: Cải cách ruộng đất: Sửa sai và tiến lên (Trường Chinh)

Nguồn: Talawas
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT : Sửa sai và tiến lên 
Trường Chinh
     Chúng ta vừa căn bản hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc, nhưng đồng thời cũng vừa phạm những sai lầm nghiêm trọng trong công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Những sai lầm ấy đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng phê phán một cách sâu sắc.
Trong bài này, để giải thích thêm về tinh thần nghị quyết của Hội nghị Trung ương, tôi sẽ trình bày một số ý kiến, góp vào việc đánh giá công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, nhận định về tính chất những khuyết điểm sai lầm của ta trong các công tác ấy, bàn về nguyên nhân sai lầm và trách nhiệm, đồng thời rút ra mấy bài học kinh nghiệm lớn trong vấn đề này và giúp cán bộ, đảng viên chúng ta nhận rõ nhiệm vụ trung tâm đột xuất của Đảng hiện nay là sửa sai và tiến lên.
Nhiệm vụ cách mạng phản phong kiến đã căn bản hoàn thành ở miền Bắc Cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân của ta có hai nhiệm vụ chiến lược:
        • đánh đổ chủ nghĩa đế quốc,
        • xóa bỏ chế độ phong kiến.
Đế quốc và phong kiến là hai lực lượng phản động nhất câu kết với nhau để thống trị Việt-nam đã hơn 80 năm. Chính bọn phong kiến nhà Nguyễn bán nước cho đế quốc Pháp, và sau khi đế quốc Pháp chiếm nước ta, chúng đã biến thành ngụy quyền, làm tay sai cho đế quốc. Đế quốc dùng phong kiến làm chỗ dựa để xâm lược Việt-nam, phong kiến Việt-nam ôm chân đế quốc để duy trì quyền lợi ích kỷ. Tập đoàn thống trị nhà Nguyễn trước đây nói chung tiêu biểu cho giai cấp địa chủ phong kiến phản dân tộc. Chính quyền Ngô-đình-Diệm ở miền Nam hiện nay đại biểu cho tầng lớp địa chủ phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ, hiện đang phá hoại thống nhất Việt-nam, hòng biến miền Nam nước ta thành một thứ thuộc địa và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. Đế quốc và phong kiến là hai đối tượng chính của cách mạng Việt-nam, hai kẻ thù chính của nhân dân Việt-nam.
Muốn đánh đổ đế quốc phải đồng thời đánh đổ phong kiến. Ngược lại, muốn đánh đổ phong kiến phải đồng thời đánh đổ đế quốc. Hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến không thể tách rời.
Cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân của ta là một cuộc cách mạng chống đế quốc, chống phong kiến, một cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân đông đảo, nghĩa là của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc và những nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước do giai cấp công nhân lãnh đạo, dựa trên cơ sở công nông liên minh. Mục đích của cuộc cách mạng đó là giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ nhân dân, tạo điều kiện tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng tháng Tám và kháng chiến đánh đổ đế quốc ở miền Bắc và làm yếu thế lực phong kiến ở nước ta. Cải cách ruộng đất đánh đổ giai cấp địa chủ và xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất ở miền Bắc. Cách mạng tháng Tám giành được chính quyền nhân dân, lập nên nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Kháng chiến thắng lợi tiêu diệt lực lượng đế quốc và ngụy quyền ở miền Bắc, hoàn toàn giải phóng một nửa nước ta. Cải cách ruộng đất tiếp tục nhiệm vụ cách mạng phản phong kiến của nhân dân ta từ trước đến nay, đánh đổ giai cấp địa chủ ở miền Bắc đưa nông dân lên làm chủ thật sự ở nông thôn, thực hiện người cày có ruộng. Đó là những thắng lợi về chiến lược, thắng lợi của quần chúng nhân dân nước ta đấu tranh gian khổ và anh dũng trong bao nhiêu năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đạt được những thắng lợi đó tức là hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân ở miền Bắc.
Lực lượng cách mạng ở nước ta là nhân dân mà 87% là nông dân. Sự nghiệp dân tộc giải phóng muốn thành công, kháng chiến muốn thắng lợi, chủ yếu phải dựa vào nông dân. “Thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân”. Nông dân trực tiếp bị giai cấp địa chủ phong kiến áp bức bóc lột. Cơ sở của phong kiến ở nước ta là chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, nó làm cho tuyệt đại đa số nhân dân nước ta là nông dân khổ cực, đồng thời kìm hãm nông nghiệp, cản trở công thương nghiệp nước ta phát triển, giữ nước ta ở trình độ nông nghiệp lạc hậu, không tiến lên trình độ công nghiệp hóa hiện đại được. Vì vậy mà nước ta nghèo, dân ta khổ. Cho nên cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất là chính nghĩa, là nhân đạo. Cách mạng tháng Tám, kháng chiến trường kỳ và cải cách ruộng đất là ba sự kiện lịch sử lớn nhất của nước ta trong vòng mười một năm nay. Nó quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân ở miền Bắc nước ta.
Với cải cách ruộng đất căn bản hoàn thành ở miền Bắc, nhiệm vụ cách mạng phản phong kiến ở miền Bắc cũng căn bản hoàn thành. Những sai lầm của phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất nghiêm trọng, nhưng không có nghĩa là chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt-nam và của Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa là sai. Những sai lầm ấy hạn chế thắng lợi của sự nghiệp cách mạng phản phong kiến ở miền Bắc chứ không xóa bỏ thắng lợi đó.
Phát động quần chúng để thực hiện cải cách ruộng đất là đúng và cần thiết Gần đây, có ý kiến cho rằng không cần phát động quần chúng cũng thực hiện cải cách ruộng đất được, hoặc muốn thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng chỉ cần vận động địa chủ hiến ruộng đất cũng đủ. Ý kiến ấy có đúng không? Không đúng. Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng, là sự nghiệp của hàng triệu quần chúng nông dân do Đảng lãnh đạo. Bất kể cuộc cách mạng lớn nhỏ nào, không phát động quần chúng đều không thể làm được.
Có hai cách thực hiện cải cách ruộng đất: hòa bình cải cách ruộng đất và phát động quần chúng cải cách ruộng đất. Ta đã phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất; như thế là đúng và cần thiết vì những lẽ dưới đây:
        • Nước ta là một nước do đế quốc và phong kiến thống trị từ lâu đời. Trải qua hàng chục thế kỷ, nông dân nước ta bị địa chủ phong kiến áp bức bóc lột, không ngóc đầu lên được. Nay phải phát động quần chúng nông dân mới dám mạnh dạn vươn mình, đấu tranh đánh đổ địa chủ, tự tay mình giành lại ruộng đất cho mình.
        • Phát động quần chúng là làm cho quần chúng tự giác, tự nguyện tham gia cách mạng ruộng đất, huy động lực lượng quần chúng nổi dậy đập tan chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân lao động. Chính quyền và cán bộ không thể và không nên làm thay và ban ơn cho nông dân.
        • Có phát động quần chúng mới làm cho giai cấp địa chủ chịu khuất phục trước sức mạnh vùng lên của quần chúng nông dân, và quần chúng nông dân mới tự tin ở lực lượng của bản thân mình. Đó là điều rất cần để giành lại ruộng đất và giữ được ruộng đất.

Có người nói: ta vận động hiến ruộng cũng đủ ruộng đất chia cho nông dân. Tôi xin trả lời: trong hoàn cảnh nước ta có thể vận động cả giai cấp địa chủ hiến ruộng. Một giai cấp xã hội không bao giờ tự nguyện nhường tư liệu sản xuất mà nó đã chiếm giữ từ lâu đời cho một giai cấp bị nó bóc lột bao giờ. Hòa bình cải cách ruộng đất bằng cách vận động hiến ruộng là một ảo tưởng.
Có người cho rằng: ta đã có chính quyền từ Cách mạng tháng Tám; ta có thể dùng biện pháp chính quyền mà lấy lại ruộng đất cho nông dân, không phải phát động quần chúng làm gì cho phiền phức. Hoặc có người hỏi: tại sao ta không thực hiện cải cách ruộng đất theo kiểu một vài nước anh em, như thế có nhanh và gọn hơn không? Sự thật là ta có kết hợp biện pháp hành chính của chính quyền với đấu tranh quần chúng trong cải cách ruộng đất. Nhưng trong khi phát động quần chúng, ta có coi nhẹ biện pháp chính quyền (ví dụ ta coi nhẹ việc phối hợp công an, tư pháp với phát động quần chúng, coi nhẹ những biện pháp hỏi cung, đối chiếu tang chứng, sử dụng tòa án nhân dân đặc biệt một cách không đúng, v.v…). Dùng riêng biện pháp chính quyền mà cải cách ruộng đất thì đương nhiên là không đủ, phải kết hợp chặt chẽ đấu tranh của quần chúng từ dưới lên với mệnh lệnh của chính quyền từ trên xuống, và phải coi đấu tranh quần chúng là chủ yếu thì mới thực hiện cải cách ruộng đất được tốt. Sai lầm không phải tại ta đã phát động quần chúng, mà chính vì càng về sau này, cán bộ các đội không thật sự phát động quần chúng, không tin ở quần chúng, mà lần truy bức, nhục hình, bắt bớ tràn lan để thay cho phát động quần chúng, và trong phát động quần chúng, ta đã không sử dụng biện pháp chính quyền một cách đầy đủ.
Có người nói: phát động quần chúng để thực hiện cải cách ruộng đất là đúng, nhưng phát động theo kiểu “đấu tố” như thế là sai. Nhưng cần nhớ rằng cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp, trong đó ta phát động tư tưởng quần chúng nông dân bằng cách lấy khổ gợi khổ, qua tố khổ mà giáo dục ý thức giai cấp cho nông dân, tổ chức nông dân để nông dân có đủ lực lượng đấu tranh đánh đổ địa chủ; đó là một việc hoàn toàn đúng. Sai lầm của cán bộ cải cách ruộng đất là không thật sự phóng tay phát động quần chúng, lại gò ép quần chúng tố khổ; thành ra bên cạnh những người tố đúng đã có một số người tố sai. Hơn nữa, nhiều cán bộ mù quáng, mất cảnh giác, dựa vào những phần tử xấu mà không tự giác, rồi nghe những lời bịa đặt của chúng mà đánh lầm vào một số người tốt của ta. Lỗi đó tại cán bộ ta làm sai mà lãnh đạo không kịp thời phát hiện sai lầm để ngăn chặn và sửa chữa, chứ không phải tại chủ trương phát động quần chúng “đấu tố”.
Phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất đã đạt được những yêu cầu gì? Hiện nay, người thì nói cải cách ruộng đất thành công, người thì nói cải cách ruộng đất thất bại, thậm chí có xu trào chỉ dám nói thất bại mà không dám nói thành công. Đương nhiên, tình hình ấy chỉ có lợi cho bọn phản cách mạng, bọn địa chủ vừa bị đánh đổ ở miền Bắc, chúng đang lợi dụng việc Đảng ta tự phê bình về những khuyết điểm, sai lầm trong cải cách ruộng đất và sửa sai để hòng đả kích và “cô lập” Đảng ta, đả kích bần cố nông và cốt cán của họ, và xóa bỏ những thành quả của cải cách ruộng đất.
Thật ra, muốn đánh giá đúng thành công và thất bại của cải cách ruộng đất phải đợi khi nào tổng kết toàn bộ công tác phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất. Bây giờ, chúng ta hãy kiểm điểm xem phát động quần chúng đã đạt được những mục đích yêu cầu gì? Mục đích yêu cầu của phát động quần chúng cải cách ruộng đất là:
    a. Đánh đổ giai cấp địa chủ, đập tan uy thế chính trị của giai cấp địa chủ, thực hiện ưu thế chính chị của nông dân lao động ở nông thôn, thực hiện nông dân làm chủ nông thôn.
    b. Xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân lao động, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn.
    c. Giáo dục cho nông dân về mặt tư tưởng và chính trị, làm cho nông dân nhận rõ bọn thực dân đế quốc và giai cấp địa chủ phong kiến là kẻ địch, nhận rõ Đảng lao động Việt-nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thật thà mang lại quyền lợi cho mình; nhận rõ chính quyền nhân dân là của mình, v.v…
    d. Kết hợp chỉnh đốn tổ chức ở nông thôn, chỉnh đốn chi bộ, nông hội, chính quyền, dân quân du kích, chi đoàn thanh niên cứu quốc Việt-nam, chi hội Liên hiệp phụ nữ Việt-nam; bồi dưỡng cán bộ cơ sở.
Hãy xét xem trong khi thực hiện những mục đích yêu cầu ấy của phát động quần chúng, ta đã đạt được những gì, không đạt được những gì? Về yêu cầu thứ nhất, trong phát động quần chúng cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến về căn bản đã vĩnh viễn bị đánh đổ ở miền Bắc, nói chung ưu thế chính trị của nông dân lao động đã được xây dựng ở nông thôn. Tuy vậy, một số phú nông hoặc nông dân lao động lại bị vạch lầm là địa chủ, là phản động và bị đả kích nặng. Đó là một điều rất đáng tiếc. Nhưng phải nhận rằng nông dân vẫn làm chủ nông thôn.
Có người nói: nông dân đã làm chủ nông thôn từ Cách mạng tháng Tám, và ở vùng mới giải phóng, quân đội viễn chính Pháp rút đi đến đâu là nông dân làm chủ đến đó rồi. Song thật ra chưa cải cách ruộng đất, chưa xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất thì chưa có thể chấm dứt được tình trạng địa chủ khống chế nông thôn, nhất là ở vùng sau lưng địch trước đây, và nông dân vẫn chưa thể thật sự làm chủ nông thôn.
Về yêu cầu thứ hai, xóa bỏ chế độ phong kiến, chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân lao động, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, việc đó ta đã thực hiện được trong cải cách ruộng đất. Tuy vậy một số nông dân bị vạch lầm là địa chủ, do đó đã bị tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất và chỉ được chia một phần ruộng đất xấp xỉ với số bình quân chiếm hữu của nông dân ở địa phương, nhưng không được chia ruộng nguyên canh, tốt và gần.
Có người bảo: nông dân đã làm chủ ruộng đất từ Cách mạng tháng Tám hay từ kháng chiến rồi. Thật ra có nơi nông dân chỉ tạm sử dụng ruộng đất vắng chủ theo lối ai cày người ấy được hưởng và được chia lại công điền; qua cải cách ruộng đất, họ mới thật sự có quyền sở hữu ruộng đất.
Về yêu cầu thứ ba, trong phát động quần chúng, nông dân đã được giáo dục về tư tưởng và chính trị. Họ đã nhận rõ đế quốc và phong kiến là thù địch. Nói chung họ đã tự tin ở lực lượng đoàn kết đấu tranh của họ, tin ở sự lãnh đạo của Đảng. Họ nhận rõ từ trước đến nay ở nước ta chỉ có Đảng ta và chế độ ta mới mang lại ruộng đất cho họ. Tuy vậy, những sai lầm của ta đã làm cho uy tín của Đảng và chính phủ tạm thời bị giảm sút một phần nào (với mức độ khác nhau tùy từng nơi) dù rằng quần chúng nông dân nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng và Chính phủ.
Có người cho rằng nông dân miền Bắc đã được giáo dục nhiều về tư tưởng và chính trị trong tám năm kháng chiến toàn quốc. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Không phát động quần chúng thì không thể giáo dục giai cấp, không thể giáo dục lập trường, tư tưởng một cách sâu sắc cho quần chúng nông dân được, cũng chưa thể hạ uy thế chính trị của giai cấp địa chủ ở nông thôn.
Về yêu cầu thứ tư, việc kết hợp với phát động quần chúng cải cách ruộng đất mà chỉnh đốn tổ chức có làm được phần nào. Đó là làm cho thành phần các tổ chức ở nông thôn tương đối trong sạch, nhưng chưa thể nói là vững mạnh (địa chủ, cường hào đã bị đuổi ra khỏi tổ chức, hàng vạn cốt cán đã được đào tạo và bồi dưỡng trong phong trào; những cốt cán đó nói chung thành phần trong sạch, nhưng phần lớn trình độ chính trị và kinh nghiệm công tác còn non kém; cũng có một số phần tử xấu được đưa lầm nên thành cốt cán và được kết nạp vào tổ chức, nhưng đó chỉ là số rất ít). Có hàng trăm xã vùng mới giải phóng trước đây chưa có chi bộ, nay ta xây dựng được chi bộ mới.
Nhưng thất bại của chỉnh đốn tổ chức thì rất nặng; càng về những đợt sau này, sai lầm càng lớn. Đau đớn nhất là đánh lầm vào nội bộ Đảng và nội bộ các tổ chức quần chúng ở cơ sở cũng như vào nội bộ nông dân, khiến cho một số cán bộ, đảng viên và nông dân cách mạng có thành tích bị xử oan.
Tóm lại, phần quan trọng của những mục đích, yêu cầu của phát động quần chúng nói chung đã đạt. Những sai lầm của ta có hạn chế những kết quả đã thu được, nhưng ta không thể không khẳng định thắng lợi của cải cách ruộng đất. Chính vì thế nên Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng đã đánh giá cải cách ruộng đất “là một cuộc chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội” [1] .
Đánh giá sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức thể hiện trên mấy mặt công tác dưới đây:
        • đánh địch và trấn áp bọn phá hoại hiện hành,
        • qui định thành phần giai cấp,
        • tịch thu, trưng thu, trưng mua.
        • định diện tích và sản lượng,
        • chỉnh đốn tổ chức Đảng, chính, quân, dân ở cơ sở, v.v…

Những sai lầm ấy đã vi phạm đường lối chung của Đảng ở nông thôn trong cải cách ruộng đất: “dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú ông, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất một cách có phân biệt, có từng bước, có kế hoạch, có trật tự, có lãnh đạo”. Hậu quả của những sai lầm ấy rất tai hại:
    1. Nó đã làm giảm một phần uy tín của Đảng lao động Việt-nam và của Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hòa, tổn thất một phần đến cơ sở của Đảng, của Mặt trận và chính quyền nhân dân.
    2. Nó làm cho nông thôn hiện nay thiếu đoàn kết, ảnh hưởng không tốt đến thành thị, ảnh hưởng không tốt đến khối đại đoàn kết dân tộc.
    3. Những sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã ảnh hưởng đến quân đội, đụng đến một số gia đình quân nhân cách mạng; cơ sở quân dân du kích nhiều nơi bị sứt mẻ.
    4. Về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, cải cách ruộng đất tức là giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi xiềng xích phong kiến, thực hiện người cày có ruộng thì tất nhiên nói chung là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp nước ta phát triển. Nhưng sai lầm của ta cũng tạm thời làm cho nhiều nông dân được đất mà chưa thật phấn khởi sản xuất, vì diện tích và sản lượng bị kích lên quá cao.
    5. Vì những lẽ trên đây, cho nên đối với vấn đề củng cố miền Bắc hiện nay tình hình nhiều nơi ở miền Bắc chưa được ổn định, chưa được củng cố. Đối với vấn đề tranh thủ miền Nam thì ảnh hưởng không tốt đến việc tranh thủ các tầng lớp rộng rãi, nhất là các tầng lớp trên ở miền Nam, không lợi cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Tóm lại, sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã vi phạm đường lối chung của Đảng ở nông thôn, vi phạm chính sách, nguyên tắc và điều lệ của Đảng, vi phạm chế độ pháp trị dân chủ và cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt-nam, và ảnh hưởng một phần nào đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1956.
Một hiện tượng trái ngược là cải cách ruộng đất đáng lẽ củng cố đoàn kết toàn dân, nhưng vì sai lầm của ta, nên hiện nay tạm thời đoàn kết bị giảm; đáng lẽ nâng cao uy tín của Đảng và Chính phủ, nhưng hiện nay tạm thời uy tín đó bị sút kém một phần nào. Ta sửa chữa sai lầm có kết quả tốt thì sẽ phát huy được những nhân tố tích cực sẵn có do cải cách ruộng đất tạo ra, đồng thời thu hẹp và đi đến thủ tiêu được những nhân tố tiêu cực, có hại do sai lầm của ta mang lại.
Tính chất và đặc điểm của sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức có thể tóm tắt lại như sau:
    a. Sai lầm có tính chất “tả” khuynh, biểu hiện ở chỗ “thái quá” trong việc đánh địch, trong việc trấn áp bọn phá hoại; vạch thành phần giai cấp; kích diện tích và sản lượng, tìm phản động trong tổ chức của ta, v.v… (Tuy vậy, bên cạnh những sai lầm “tả” khuynh vẫn còn tồn tại một số sai lầm có tính chất hữu khuynh, như rón rén, sợ địch, không dám phát động quần chúng đến nơi đến chốn; hoặc có một số biểu hiện “tả” khuynh lại chính là bóng đen của tư tưởng hữu khuynh: đánh giá lực lượng địch quá cao, đánh giá tổ chức của ta quá thấp, v.v…)
    b. Sai lầm có tính chất nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài (truy bức nhục hình, đánh địch tràn lan, không chấp hành đúng đường lối chung của Đảng ở nông thôn, v.v…). Tuy vậy cũng phải nhận rằng: lấy một xã mà xét thì sai lầm vẫn là từng phần, không phải toàn thể (ví dụ: vạch sai thành phần một số nông dân, không phải vạch sai tất cả nông dân; xử trí oan một số người, không phải oan tất cả, v.v…). Về các đợt sau này, sai lầm phổ biến nhất là truy bức, nhục hình, đả kích tràn lan và kích diện tích và sản lượng.
    c. Sai lầm về sách lược và phương châm, chính sách cụ thể không phải sai lầm về chiến lược cách mạng, về đường lối cách mạng nói chung. Tuy vậy, có một số sai lầm thuộc về nguyên tắc, ví dụ: không chấp hành đúng đường lối của Đảng ở nông thôn, đánh lầm vào nội bộ tổ chức của ta, đả kích sai vào một số nông dân lao động, tác phong không tôn trọng tập thể và dân chủ, v.v…
    d. Sai lầm trong khi ta đã có chính quyền, quân đội xâm lược của bọn đế quốc và ngụy quân, ngụy quyền đã bị quét sạch khỏi miền Bắc, cách mạng đã và đang thu được những thắng lợi về mọi mặt (quân sự, chính trị , kinh tế, văn hóa) và trong khi cách mạng Việt-nam đang ở thời kỳ tiến lên, chứ không phải ở thời kỳ thoái trào.
Tóm lại, những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức rất nghiêm trọng, nhưng nhất định có thể sửa chữa. Chỉ có tổn thất do những cán bộ, đảng viên và quần chúng bị hy sinh oan uổng thì không có cách nào cứu vãn được. Đó là một điều vô cùng đau xót cho Đảng và cho nhân dân. Nhưng dù sao những sai lầm ấy không phá bỏ thắng lợi về chiến lược của cải cách ruộng đất; nó không dẫn đến thất bại về chiến lược cách mạng chống phong kiến ở miền Bắc nước ta.
Nguyên nhân, khuyết điểm, sai lầm Muốn tìm ra nguyên nhân sai lầm, chúng tôi thấy trước hết cần nhận rõ trong điều kiện nào đã phạm phải những sai lầm ấy. Trong những điều kiện dưới đây:
    a. Cũng như bất cứ giai cấp bóc lột nào trong lịch sử, giai cấp địa chủ nước ta đến lúc bị đánh đổ thì tìm mọi cách chống lại cải cách ruộng đất; phân tán tài sản, mua chuộc nông dân, thủ tiêu khổ chủ, ám hại, mua chuộc cán bộ ta, truy bức thì khai vấy vào tổ chức ta, v.v… Có người nói: ở nước ta giai cấp địa chủ dựa vào đế quốc, nay ở miền Bắc đế quốc bị đánh đổ thì chúng cũng khắc đổ, không thể chống lại ta. Nói như thế là không đúng. Sự thật kháng chiến thành công, quân đội thực dân bị quét sạch ở miền Bắc thì một số ít địa chủ (bọn đại địa chủ) theo đế quốc vào Nam; một bọn đầu hàng ta, nhưng một bọn vẫn tìm cách chống lại ta, chống lại cải cách ruộng đất (ngay trong số địa chủ đã ủng hộ kháng chiến cũng có một số bị đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi trong cải cách ruộng đất cho nên đã phá hoại phát động quần chúng bằng cách này hay cách khác). Bọn kiên quyết chống lại thường dựa vào thế lực phản động đội lốt tôn giáo hoặc câu kết với bọn tay sai đế quốc và bọn phá hoại hiện hành còn lẩn lút ở miền Bắc.
    b. Bị địa chủ phong kiến áp bức bóc lột từ hàng chục thế kỷ nay, giai cấp nông dân nước ta thường hay tiêu cực, bị động, mê tín, nhưng đôi khi khổ quá không nhẫn nhục được nữa phải đấu tranh tự phát, phiêu lưu, mạo hiểm, manh động; có khi hành động lẻ tẻ, có khi hành động tập thể. Nay được phát động, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo, họ nhận rõ kẻ thù, nhận rõ lối thoát, thì vùng dậy đấu tranh quyết liệt, đè bẹp kẻ thù giai cấp; lúc đó lãnh đạo không cứng thì dễ sinh ra tình trạng hỗn loạn, đấu tranh quá trớn.
    c. Cán bộ ta phần đông là tiểu tư sản, trước kia phần nhiều hữu khuynh đối với địa chủ, nặng về đoàn kết rộng rãi, thuyết phục một chiều, nhẹ về đấu tranh giai cấp. Nay nhận rõ sai lầm cũ thì dễ lệch sang “tả”, còn tư tưởng “thà tả còn hơn hữu”, cho rằng “tả đỡ hại hơn hữu”, v.v… Một số cán bộ xuất thân gia đình địa chủ vì sợ bị hiểu lầm, sợ bị truy là mất lập trường, v.v… nên thấy sai nhiều khi cũng không dám đề đạt ý kiến, hoặc đề đạt một cách rất yếu ớt, dè dặt.
    d. Ta vừa thắng lợi lớn trong kháng chiến, lại bắt đầu bước sang thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nước ta ở sát Trung-quốc, là một nước đang tiến những bước khổng lồ lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình ấy một mặt đã tạo ra không khí say sưa thắng lợi, cán bộ dễ sinh chủ quan, tự mãn; một mặt dễ sinh ra tư tưởng nóng vội, muốn tiến mau lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện thống nhất nước nhà.
Chính trong những điều kiện ấy, lãnh đạo, nhất là cơ quan chỉ đạo thực hiện (như Ủy ban cải cách ruộng đất các cấp, các đoàn ủy. Ban tổ chức Trung ương) đã phạm những sai lầm nghiêm trọng.
Song, nói như thế không phải chúng ta đổ tại hoàn cảnh khách quan, mà chính là để nhận rõ trong hoàn cảnh như thế nào chúng ta đã phạm sai lầm. Nguyên chính vẫn là do chủ quan ta có khuyết điểm. Thật thế, do chỗ không xuất phát đầy đủ từ thực tế Việt-nam, không nghiên cứu kỹ những đặc điểm của tình hình Việt-nam (Việt-nam là một nước nông nghiệp bị đế quốc áp bức bóc lột trong một thời gian khá lâu; nước ta chia làm hai miền, v.v…), do chỗ không nẵm vững yêu cầu khách quan của nhiệm vụ cách mạng Việt-nam trong giai đoạn hiện tại (củng cố miền Bắc, nhưng đồng thời phải tranh thủ miền Nam v.v…) cho nên cơ quan lãnh đạo và nhất là cơ quan chỉ đạo thực hiện đã có những chủ trương chính sách không đúng:
        • Nặng về chống hữu, nhẹ về chống “tả”, tư tưởng chỉ đạo lệch một chiều;
        • Chủ trương kết hợp bọn phá hoại trong cải cách ruộng đất, căn bản làm tan rã tổ chức phản động ở xã và thanh trừ phản động ra khỏi tổ chức cơ sở (yêu cầu quá cao);
        • Chủ trương căn bản hòan thành cải cách ruộng đất trước 20-7-1956 (thời gian quá gấp);
        • Nhận định không đúng về sức phản ứng của địch, về tổ chức cũ của ta (cho là tổ chức của ta bị địch lũng đoạn, chi bộ địch lồng vào chi bộ ta, v.v…);
        • Chỉnh đốn tỉnh, huyện một cách thiếu thận trọng; phương châm, phương pháp đều có chỗ không đúng;
        • Để cho tổ chức chỉ đạo thực hiện cải cách ruộng đất thành một hệ thống riêng với quyền hạn quá rộng, nhưng lại thiếu kiểm tra đôn đốc chặt chẽ.

Ngoài ra, tác phong lãnh đạo lại quan liêu, thiếu tập thể, dân chủ; cơ quan chỉ đạo chủ quan, tự mãn, độc đoán, chuyên quyền, cho nên mới có tình trạng một số chỉ thị do cá nhân trong Thường trực Ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương và trong Ban Tổ chức Trung ương đề ra mà không thông qua tổ chức bàn định trước, và không trình Trung ương phê chuẩn. Tình hình sai lầm đã trở nên nghiêm trọng từ đợt 8 giảm tô và đợt 4 cải cách ruộng đất rồi mà mãi đến giữa bước hai cải cách ruộng đất đợt 5 mới phát hiện và bắt đầu sửa chữa.
Trách nhiệm của các cơ qian lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện chính sách
Đường lối cách mạng phản đế và phản phong kiến (dân tộc-dân chủ nhân dân) của Đảng nói chung là đúng, cho nên mới có Cách mạng tháng Tám và kháng chiến thắng lợi, mới hoàn toàn giải phóng được miền Bắc và thực hiện người cày có ruộng trên một nửa nước ta, điều mà từ bao nhiêu đời nay mới thành sự thật. Nhưng về chủ trương chính sách cụ thể, Đảng có khuyết điểm sai lầm. Đảng thành khẩn tự phê bình và kiên quyết sửa chữa để đưa toàn dân ta tiến lên.
Lê-nin nói:
“Thái độ của một chính đảng đứng trước những sai lầm của mình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất và chắc chắn nhất để nhận xét xem đảng ấy có đứng đắn hay không và nó có thật làm tròn nghĩa vụ của mình đối với giai cấp mình và đối với quần chúng lao động không. Thành thật nhận sai lầm, phân tích trường hợp đã đẻ ra những sai lầm ấy, xét kỹ những biện pháp sửa chữa sai lầm, đó là dấu hiệu của một đảng đứng đắn, đó cũng là cách đảng ấy làm tròn nghĩa vụ của mình, giáo dục và huấn luyện giai cấp mình và sau nữa giáo dục và huấn luyện quần chúng.” (Bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản)
Trong sai lầm lần này, Đảng có trách nhiệm trước nhân dân, vì dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã xẩy ra những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng để tổn hại đến sinh mệnh, tài sản của nhân dân, tổn thương đến việc thực hiện cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc, đến sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Cơ quan lãnh đạo của Đảng có trách nhiệm, vì đã thông qua một số chủ trương, chính sách xét ra thiếu sót hoặc có chỗ không đúng, không nắm thật vững công tác cải cách ruộng đất là công tác trọng tâm số một trong toàn bộ công tác củng cố miền Bắc.
Sở dĩ Đảng có khuyết điểm như trên, một phần do cơ quan lãnh đạo (Trung ương và Bộ chính trị) thiếu điều tra, nghiên cứu nên không xuất phát đầy đủ từ tình hình thực tế Việt-nam; thiếu kiểm tra đôn đốc, làm việc thiếu tập thể; và một phần do cơ quan chỉ đạo thực hiện (cụ thể là Thường trực Ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương của Đảng) không báo cáo đúng và kịp thời, không kịp thời phát hiện sai lầm và đề nghị chính sách và biện pháp sửa chữa thích đáng.
Vì vậy, lãnh đạo có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm trực tiếp và quan trọng là do chỉ đạo thực hiện đã có những sai lầm, khuyết điểm cụ thể dưới đây:
a. Chỉ đạo tư tưởng lệch một chiều, nặng chống hữu, nhẹ chống “tả” và phòng “tả”, đẩy cán bộ đã “tả” khuynh lại “tả” khuynh thêm.
b. Không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ. Vì thiếu điều tra nghiên cứu nên đã đề nghị một số chủ trương chính sách không đúng.
c. Việc giáo dục cán bộ có nhiều khuyết điểm, làm cho cán bộ tự mãn, lộng hành, không nắm chính sách, không tôn trọng 10 điều kỷ luật trong phát động quần chúng. (Một số ít phần tử xấu đã phá hoại chính sách của Đảng và Chính phủ bằng những hành động vô nguyên tắc ở xã.)
d. Tác phong quan liêu, độc đoán, thoát ly quần chúng, thoát ly thực tế, chủ quan, tự mãn, không nhìn ra sai lầm nghiêm trọng để kịp thời sửa chữa.

Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Đảng đã phân tích, phê phán sai lầm, tìm ra nguyên nhân, định rõ trách nhiệm, và định ra phương châm, chính sách và kế hoạch sửa chữa. [1]
Có đồng chí hỏi: phải chăng Trung ương đùn trách nhiệm cho mấy đồng chí Ủy viên Trung ương trực tiếp phụ trách cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức? Vấn đề không phải là Trung ương đùn đẩy trách nhiệm cho người này hay người khác. Trung ương nhận phần trách nhiệm của mình. Nhưng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cho nên trách nhiệm trực tiếp vẫn phải quy vào cá nhân những đồng chí đã lĩnh trách nhiệm trước Trung ương.
Có người bảo: kỷ luật thi hành với những đồng chí có trách nhiệm trực tiếp nhẹ quá. Trung ương thi hành kỷ luật cán bộ làm sai là theo phương châm chữa bệnh cứu người, cho nên đối với những đồng chí đã làm sai, Đảng lấy giáo dục làm chính. Đương nhiên kỷ luật đối với từng người có nặng nhẹ khác nhau, tùy theo những điểm dưới đây mà quyết định:
• trách nhiệm nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp;
• tác hại của những sai lầm lớn hay nhỏ;
• động cơ phạm sai lầm tốt xấu như thế nào;
• thái độ nhận sai lầm thành khẩn hay không, thành khẩn nhiều hay ít, v.v…

Việc thi hành kỷ luật với một số đồng chí phạm sai lầm là cần thiết: nhưng Đảng ta thi hành một chính sách sửa sai chứ không thi hành một chính sách báo thù.
Mấy bài học kinh nghiệm
Sai lầm lần này dạy cho ta mấy bài học kinh nghiệm lớn dưới đây:
1. Về giai cấp đấu tranh
Giai cấp đấu tranh là một sự cần thiết và tất nhiên trong xã hội phân chia giai cấp. Khi ta chưa có chính quyền thì hình thức giai cấp đấu tranh có khác với khi ta đã có chính quyền. Từ Cách mạng tháng Tám, ta đã có chính quyền Nhà nước dân chủ nhân dân; đó là một thứ vũ khí đấu tranh giai cấp của ta. Ta phải tận dụng khả năng của chính quyền trong cuộc đấu tranh chống giai cấp địa chủ.
Trong cải cách ruộng đất ta phải dùng chính quyền ban hành những luật lệ, những điều quy định cần thiết, có tính chất bắt buộc đối với giai cấp địa chủ. Đồng thời, muốn cho giai cấp địa chủ thi hành đúng chính sách, phải phát động quần chúng nông dân đấu tranh buộc địa chủ phải tuân theo pháp luật. Những sắc lệnh và nghị định của Chính phủ có hiệu lực nhất định của nó. Nhưng trong nhiều trường hợp nếu ta không vận động quần chúng đấu tranh thì không thể đảm bảo những sắc lệnh và nghị định ấy được hoàn toàn tôn trọng. Không thể ngồi bàn giấy ra lệnh mà giải quyết được vấn đề cải cách ruộng đất. Cán bộ Đảng và chính quyền cũng không thể làm thay và ban ơn cho nông dân. Cho nên phải kết hợp chính quyền ra lệnh với quần chúng đấu tranh. Phải phát động quần chúng đấu tranh và phải coi đó là biện pháp chủ yếu để cải cách ruộng đất.
Một trong những sai lầm của ta trong cải cách ruộng đất là đã coi nhẹ việc sử dụng biện pháp chính quyền.
Đối với giai cấp thù địch thì nhất định ta phải đánh đổ. Nhưng giai cấp địa chủ nước ta đã bị phân hóa, ta phải phân biệt đối xử với từng hạng địa chủ. Năm 1953, Trung ương đã nói:
“Ta thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến, nên phải đấu tranh trên hai mặt trận: mặt trận chống đế quốc và mặt trận chống phong kiến. Ta lại có Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Vì vậy càng bớt được kẻ địch càng tốt, càng cô lập và phân hóa được giai cấp địa chủ càng hay. Diện đả kích không nên quá rộng.” [2]
Ta đã có chính quyền ở miền Bắc, lực lượng của ta mạnh hơn hẳn lực lượng của giai cấp địa chủ phong kiến. Bọn địa chủ nào kháng cự lại thì ta mới trấn áp. Bọn nào đầu hàng thì ta để cho chúng thi hành chính sách, phục tùng nông dân; ta không dùng bạo lực đối với chúng, trái lại ta mở đường cho chúng lao động cải tạo, trở thành những con người mới. Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Liên-xô đã nhắc nhở ta về vai trò của bạo lực trong lịch sử, nhưng đồng thời cũng chỉ rõ người cộng sản không phải là thích dùng bạo lực. Đằng này, do các cơ quan thực hiện có tư tưởng chỉ đạo lệch lạc, do cán bộ ta phần lớn thiếu kinh nghiệm đấu tranh giai cấp, cho nên khi xuống xã, đứng trước tình hình phức tạp, họ rối trí, đi đến trấn áp tràn lan, đánh địch mà đánh cả vào tổ chức của mình, có lúc đã dùng bạo lực không cần thiết và không đúng chỗ.
2. Về nhân dân dân chủ chuyên chính
Nhân dân dân chủ chuyên chính là dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Nhưng nhân dân là ai, kẻ thù của nhân dân là ai? Đó là một vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu không nhận rõ điều đó thì có khi dân chủ cả với kẻ thù của nhân dân và chuyên chính không nhắm đúng đối tượng, mũi nhọn chuyên chính có thể không chĩa vào kẻ địch. Đối với nhân dân ta phải bảo đảm quyền tự do dân chủ, phải mở rộng dân chủ một cách đúng mức. Nhưng đối với kẻ thù của nhân dân thì phải kiên quyết thi hành chuyên chính, không thể nhu nhược.
Trong cải cách ruộng đất, cán bộ ta đã vạch lầm một số nông dân lên địa chủ hay cường hào gian ác, đã vạch một số cán bộ, đảng viên là phản động và đả kích nặng, gây ra tình trạng hỗn loạn, rất nguy hiểm. Đồng thời đã vi phạm chế độ pháp trị, vi phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân, gây ra không khí khủng bố ở nông thôn.
Việc mở rộng dân chủ ở thành thị và nông thôn bảo đảm sự tôn trọng chế độ pháp trị là rất cần thiết. Sống lâu ngày dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta ngày nay được giải phóng, rất khao khát tự do. Ta phải phát triển dân chủ để có thể phát huy tính tích cực của nhân dân, làm cho nhân dân tích cực tham gia vào công tác quản lý Nhà nước; nhưng đồng thời cũng phải chuyên chính đúng mức, đối với bọn phản cách mạng hiện hành thì kịp thời trấn áp. Vì vậy một mặt cần giáo dục cho quần chúng nhân dân nhận rõ mình là chủ nhân của nước nhà, mình có nghĩa vụ và quyền lợi rõ ràng, dứt khoát; mình phải được hưởng quyền dân chủ của mình, nhưng đồng thời cũng phải biết sử dụng đúng quyền đó, không làm ẩu, làm bừa, để gây khó khăn cho chính quyền và địch có thể lợi dụng. Mặt khác, phải kiện toàn không ngừng bộ máy chuyên chính, củng cố công an và quốc phòng, nắm vững lực lượng của ta, không nhu nhược với bọn phản cách mạng hiện hành, muốn nhân những khuyết điểm sai lầm của ta mà lừa phỉnh quần chúng, tổ chức âm mưu nhằm đạt những mục đích đen tối của chúng.
3. Về lãnh đạo
Ta thường nói lãnh đạo đúng là:
• tìm ra cách giải quyết đúng vấn đề;
• tổ chức thực hiện cách giải quyết đúng;
• tổ chức việc kiểm tra.

Song muốn tìm ra cách giải quyết đúng vấn đề thì phải điều tra nghiên cứu tình hình, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nghĩa là phải xuất phát từ thực tế; đồng thời phải nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lê-nin với thực tiễn cách mạng nước ta, nếu không sẽ phạm phải chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc chủ nghĩa giáo điều. Phải tôn trọng nguyên tắc tập thể dân chủ, nếu không định ra phương châm, chính sách sẽ thiếu sót, thậm chí sai lầm nữa.
Muốn tổ chức việc thực hiện cách giải quyết đúng phải đưa cách giải quyết đó xuống quần chúng, bàn bạc với quần chúng, làm cho quần chúng thông suốt cách giải quyết đó và tự giác tự nguyện chấp hành, phát huy tính tích cực và trí sáng tạo của quần chúng. Không thế thì sẽ phạm phải chủ nghĩa quan liêu, mệnh lệnh và sẽ thất bại đau đớn. Lãnh đạo đúng là lãnh đạo theo đường lối quần chúng: từ quần chúng mà ra, trở về nơi quần chúng.
Trong khi chấp hành chủ trương chính sách, phải kiểm tra đôn đốc, theo dõi sát tình hình, kịp thời phát hiện vấn đề, tổng kết kinh nghiệm, sửa chữa sai lầm, phát huy thành tích. Muốn thế phải phát triển phê bình tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phê bình tự phê bình là liều linh đan chữa bệnh quan liêu và chủ quan, tự mãn của các cơ quan lãnh đạo và của cán bộ.
Trong phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất vừa rồi, cơ quan lãnh đạo cũng như cơ quan chỉ đạo thực hiện nhiều khi đã không nắm vững cách lãnh đạo đó. Vì vậy mà đã phạm sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng.
Sửa sai và tiến lên
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng đã nêu rõ: “Nhiệm vụ và phương châm trước mặt của chúng ta là: kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ đó thì dựa trên đường lối nông thôn của Đảng, dựa trên tinh thần tin tưởng và truyền thống đoàn kết của Đảng ta và của nhân dân ta; thi hành đúng chính sách cụ thể sửa chữa sai lầm, nhằm đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất và trên cơ sở đó đẩy mạnh công cuộc củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.”
Sai lầm này nghiêm trọng, nhưng không phải sai lầm về chiến lược. Đảng và Chính phủ đã phát hiện sai lầm và quyết tâm sửa sai, đã định rõ phương châm, chính sách và kế hoạch sửa sai một cách thiết thực. Nhân dân ta sẵn có truyền thống đoàn kết, nói chung vẫn tin tưởng ở lãnh đạo và sẵn sàng góp sức vào việc sửa sai.
Vì vậy ta có đủ điều kiện sửa sai và tiến lên.
Muốn sửa sai cần khắc phục những tư tưởng sai lầm chính dưới đây:
• bảo thủ, tự mãn, không chịu nhận hết sai lầm, không kiên quyết sửa sai;
• bi quan, tiêu cực, nhìn mọi cái đều hỏng, không tin ở phần thắng lợi của cải cách ruộng đất, không tin có thể sửa sai được tốt;
• bàng quan, vô trách nhiệm, không quan tâm đến việc sửa sai.
• Những nhân tố thắng lợi chủ yếu của cách mạng ta (Đảng, Mặt trận, quân đội, chính quyền) có chịu ảnh hưởng không tốt vì những sai lầm vừa qua, nhưng chỉ trong một phạm vi nhất định. Vì thế ta có đủ lý do tin tưởng ở thắng lợi của công tác sửa sai.

Tuy vậy, cũng cần nhận rõ những khó khăn đang gặp trong việc sửa sai. Chủ yếu có khó khăn dưới đây:
• bọn phản động đội lốt tôn giáo và bọn địa chủ ngoan cố, bọn đầu sỏ trong số tề ngụy cũ đang ngo ngoe ngóc đầu dậy, phá rối ta;
• vấn đề sửa sai rất phức tạp, diện sửa sai khá rộng;
• việc lãnh đạo sửa sai chưa được thật tăng cường; nội bộ Đảng hiện còn thiếu đoàn kết và thống nhất.

Muốn sửa sai tốt, cần khắc phục những khó khăn đó.
Gần đây một số những người bị tố oan là phản động hoặc bị quy sai thành phần, sốt ruột chờ sửa sai, đã tự phát báo thù. Một số địa chủ và bọn phản động, lưu manh lợi dụng cơ hội lôi kéo quần chúng bất mãn, gây ra những vụ lộn xộn trong nông thôn. Đáng chú ý nhất là mới đây bọn phản động đội lốt tôn giáo đã gây ra những vụ phá rối trật tự an ninh ở tại một vài vùng giáo dân ở tập trung. Chúng lợi dụng lòng tin của một số quần chúng tín đồ mà lấy lại những quyền lợi nông dân đã giành được trong cải cách ruộng đất. Rõ ràng là chúng đang ra sức phá hoại những thành tựu của cải cách ruộng đất và phá hoại việc sửa chữa của ta. Vì vậy, muốn sửa sai tốt, phải ngăn ngừa những hành động tự phát, báo thù. Đồng thời phải trấn áp bọn phản động, bọn quấy rối, không để cho chúng làm mưa làm gió.
Chính sách sửa sai đã công bố chưa được thật cụ thể. Tình hình thực tế ở nông thôn phức tạp hơn ta tưởng. Cho nên cần rút kinh nghiệm ở một số địa phương để bổ sung chính sách đó.
Diện sửa sai khá rộng. Cần có kế hoạch sửa sai để tiến hành từng bước. Kế hoạch ấy phải căn cứ vào chỉ thị của Trung ương về sửa sai nói chung, đồng thời cũng phải căn cứ vào yêu cầu cấp bách sửa sai của từng địa phương và căn cứ vào thời vụ mà đặt ra cho sát.
Theo nghị quyết của Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, việc sửa sai sẽ giao cho Đảng bộ và chính quyền các cấp trực tiếp phụ trách. Cho nên phải kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp để cho nó gánh được trách nhiệm sửa sai theo đúng phương châm, chính sách mà Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Việc kiện toàn các cấp cần phải đạt yêu cầu thống nhất tư tưởng và nhận thức về thắng lợi của cải cách ruộng đất cũng như về những khuyết điểm sai lầm và nhiệm vụ sửa sai. Trung ương Đảng và Chính phủ quyết tâm sửa sai, nhân dân mong chờ sửa sai. Có nhiều vấn đề sửa sai liên hệ mật thiết với chiêm này, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết gấp rút. Chúng ta phải xiết chặt hàng ngũ, lao mình vào công tác sửa sai.
Qua các cuộc hội nghị nghiên cứu nghị quyết của Trung ương Đảng, tư tưởng cán bộ, đảng viên đã được nhất trí trên những vấn đề chính. Đương nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại giữa cán bộ, đảng viên cũ và cán bộ, đảng viên mới, cán bộ bị xử trí và cán bộ không bị xử trí, cán bộ đã tham gia cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức với cán bộ không tham gia cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, v.v… Tư tưởng chưa được thống nhất thì hành động trong việc sửa sai cũng sẽ không được thống nhất. Vì vậy, phải qua việc hoàn thành phổ biến nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng xuống đến tận xã mà làm cho tư tưởng và nhận thức của cán bộ và đảng viên thống nhất hơn. Cần làm cho toàn Đảng trên cơ sở thấu suốt tinh thần nghị quyết của Trung ương Đảng và nâng cao ý thức về trách nhiệm trước việc sửa sai mà tăng cường đoàn kết trong Đảng. Do Đảng được đoàn kết, thống nhất mà tăng cường đoàn kết giữa các Đảng ta và các đảng phái, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận, giữa Đảng ta và quần chúng nhân dân nói chung. Đó là một điều kiện cần thiết cho việc sửa sai có kết quả.
Công tác cách mạng của chúng ta có thành tích và cũng có sai lầm. Điều cốt yếu là Đảng ta tránh được những sai lầm về đường lối cách mạng, và một khi phạm sai lầm dù lớn hay nhỏ đều thành khẩn nhận hết sai lầm và kiên quyết sửa chữa.
Sai lầm của ta trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức không có nghĩa là đường lối cách mạng Việt- nam do Đảng ta vạch ra là sai, cũng không có nghĩa là chế độ dân chủ nhân dân của ta là không tốt. Vì đường lối cách mạng của Đảng ta đúng, bản chất chế độ ta tốt, quần chúng nhân dân ta nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng ta và Chính phủ ta, cho nên ta có điều kiện tốt để sửa sai và tiến lên.
Mỗi cán bộ và đảng viên chúng ta cần tin tưởng và hăng hái gánh một phần trách nhiệm trong việc sửa sai, biến những đau xót của chúng ta trước những sai lầm thành sức mạnh vật chất đặng tiến hành tốt công tác sửa chữa sai lầm, phát huy thành tích, củng cố công nông liên minh, giữ vững và phát triển thắng lợi của cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Do đó chúng ta làm cho miền Bắc được thật sự củng cố, chế độ ở miền Bắc càng tốt đẹp hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

________________________________________
Chú Thích
[1]Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng.
Nguồn: Học Tập, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, số 11, tháng 11 & 12 1956, tr. 9-23.
[1]Về trách nhiệm cá nhân ở cấp Trung ương thì xem thông cáo của Trung ương đăng trên báo Nhân dân ngày 30-10-1956.
[2]Nghị quyết của Bộ chính trị tháng 8 năm 1953.
Nguồn: Học Tập, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam, số 11, tháng 11 & 12 1956, tr. 9-23. Bản điện tử do talawas thực hiện.


http://hqvnch.net/default.asp?id=709&lstid=26

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét