Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/theo-guong-bac/20070518/mot-so-but-danh-biet-hieu-cua-bac-ho/201755.html
----
Theo website Đảng cộng sản Việt Nam
----
Trong
cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ của chúng ta đã sử dụng hơn 100
tên, biệt hiệu, bút danh. Xin giới thiệu 70 tên gọi, bút danh, bí danh,
biệt hiệu Người đã sử dụng trước cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thời thơ ấu của Bác, ở làng Sen, bà con thường gọi cậu
bé Nguyễn Sinh Cung là Cậu Côông. Trước khi lên tàu ra đi tìm đường cứ
nước, trong phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng ở Huế, nổi lên
người thanh niên học sinh yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này là thày
giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Khi làm đầu bếp
trên tàu Latouche Tréville, Nguyễn Tất Thành lấy tên là anh Ba hoặc Văn
Ba. Trong lá thư gửi từ Niu-oóc về cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm địa chỉ
của cụ Nguyễn Sinh Huy, Bác ký tên là Paul Tất Thành.
Từ năm 1919, bắt đầu xuất hiện tên Nguyễn Ái Quốc ký dưới Bản yêu sách của nhân dân An Nam
gửi đến Hội nghị quốc tế vì hoà bình họp ở Versailles và nhiều thư từ,
kiến nghị, bài báo khác. Là một trong những người sáng lập Tờ báo Le
Pa-ria của Hội Liên hiệp thuộc địa, chỉ trong năm 1922, Nguyễn Ái Quốc
đã viết gần 20 bài phơi bày dã tâm và tội ác của chủ nghĩa thực dân.
Đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng viết hàng loạt bài đăng trên báo
L’Humanité của Đảng Xã hội Pháp, các báo La Viie Ouvrière, Le Journal du
Peuple, Le Libertaire và các tập san La Revue Communiste, Inprekorr
dưới các bút danh: Nguyễn A. Q, Ký Viễn, N. A. Q.
Tiếp đó, trong những năm 1923-1924, Nguyễn Ái Quốc còn
sử dụng thêm một số bút danh và tên gọi khác dưới các bài viết và trong
hoạt động cách mạng: Chú Nguyễn, N, S Chon Vang, Cheng Vang, Trần Vương,
Ai Qua Que, Nguyễn Hải Khách, Lý Thụy.
Thời gian từ năm 1925 đến năm 1930, hoạt động trên
cương vị là Ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Văn Phòng Phương Nam của
Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đảm nhận việc truyền bá chủ nghĩa cộng
sản vào châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng, theo dõi và chỉ đạo
phong trào cách mạng ở một số nước, chuẩn bị mọi điều kiện cho việc
thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở trong nước.
Nhiều bút danh đã được Người sử dụng trong thời kỳ này là: N. A. K ký dưới Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên và tất cả đồng bào bị áp bức, Ông Lý dưới Thư gửi đại diện Tổng Liên đoàn Lao động thống nhất Pháp ở Quốc tế Công hội, L. M. Wang dưới Thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Đức ở Quốc tế Cộng sản, Vichto Lơbông dưới Thư gửi đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Quốc tế Cộng sản, Paul dưới Thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Mỹ...
Ngoài ra, Người còn dùng nhiều tên, bí danh khác như Nilốpski, Ho Wang,
Trương Nhược Tường, Vương Sơn Nhi, Vương Đạt Nhân, Lonis-Berlin, Loa
Roi Ta, Thọ biệt hiệu là Nam Sơn.
Tiếp đó là thời gian Bác Hồ của chúng ta từ Trung Quốc
qua Thái Lan rồi từ Thái Lan trở lại Trung Quốc để chuẩn bị về nước trực
tiếp lãnh đạo cách mạng. Để đảm bảo bí mật, Nguyễn Ái Quốc nhiều lần
cải trang khi là lính hầu, lúc là thày địa ký, có khi lại là thầy lang
bôn ba đây đó chữa bệnh cứu người. Tên tuổi, bút danh của Người cũng
nhiều lần được thay đổi.
Những khi tiếp xúc với kiều bào, Người là Chín, Thầu
Chín, Chính, Nguyễn Lai, Lý Tín Tống, Trần, Lê, Pan, Ông Lý Hồng Công,
Tiết Nguyệt Lâm. Dưới các bài báo Nguyễn Ái Quốc ký nhiều tên khác nhau:
Howang T.S, Wang, A.P, N.K, N. Ái Quốc, Nguyễn, H, T, Loa Shing Lan,
Victo, Vector Lebm, K.K.V, Line, LW Vương, T.V.Wang, Có khi Người chỉ ký
một chữ V dưới bài “Nghệ tĩnh đỏ” viết bằng tiếng Anh; lấy bút danh
Quac, E.Wan dưới các bài vạch mặt đế quốc Pháp; ký một chữ K Thư gửi Ban
Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Trong bản khai trích ngang dự Đại hội VII Quốc tế Cộng
sản(1935), Người ghi “bí danh trong Đảng là Jeng Man Huân”, bí danh dùng
trong Đại hội là Lan. Sau này, khi từ Tây An về Quảng Tây (Trung Quốc)
hoạt động, Người đã đóng giả lính hầu cho một viên quan Trung Hoa (là
người của Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn cử), lúc lại là thiếu tá Hồ
Quang bên cạnh tướng Diệp Kiếm Anh qua lại Văn phòng Bát lộ quân. Thời
gian này Bác Hồ có biệt hiệu là ông Trần, là đồng chí Vương khi gặp gỡ
các đại biểu từ Việt Nam sang. Bài viết đăng trên các báo được ký dưới
nhiều bút danh mới như P.C.Line, Bình Sơn.
Từ tháng 1-1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo phong
trào cách mạng Việt Nam. Trong thời gian đầu, Bác lấy bí danh là Già Thu
và chọn hang Pắc Bó (Cao Bằng) làm cơ sở hoạt động cách mạng bí mật.
Những tháng ngày gian khổ ở căn cứ địa Việt Bắc, Bác có bí danh là Thu
Sơn, Ông Ké. Trong những ngày Tháng Tám 1945 sục sôi khí thế cách mạng,
Bác ký tên Hồ dưới thư viết bằng tiếng Anh gửi Trung úy Charles Fenn,
người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo Đồng minh hoạt động trên đất
Việt Nam khi đó; Ký tên C.M Hồ dưới thư gửi ông Ph.Tan, là người Mỹ gốc
Hoa sẽ cùng về Việt Nam với Hồ Chí Minh để thực thi nhiệm vụ do nhóm
công tác của Charles Fenn giao cho.
Đó là những biệt hiệu, bút danh gắn với cuộc đời hoạt
động cách mạng sôi nổi của Bác Hồ trong giai đoạn từ khi rời bến cảng
Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước mùa hè năm 1911 đến Cách mạng Tháng
Tám 1945, căn cứ theo Biên niên tiểu sử và Toàn tập tác phẩm của Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét